Quay lại

Tỷ lệ sinh toàn cầu đang giảm nhanh thế nào?

Năm 1798, nhà kinh tế học Thomas Malthus đã đưa ra một lý thuyết đột phá hiện được gọi là “Bẫy Malthus". Theo lý thuyết này, tốc độ tăng dân số loài người là theo cấp số nhân, do đó dân số sẽ vượt xa tốc độ tăng tuyến tính của các tài nguyên như nguồn cung thực phẩm.

Nhà kinh tế học người Anh lo rằng sự gia tăng quá mức này sẽ khiến dân số thế giới trở nên thiếu bền vững, và thế giới sẽ phải dựa vào các sự kiện bất ngờ như chiến tranh, thảm họa, nạn đói, để đưa dân số về mức bền vững hơn. Trong 200 năm sau đó, dân số toàn cầu đã tăng vọt từ 1 tỷ lên 8 tỷ người.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chẳng cần tới các sự kiện bất ngờ như trên để đảo ngược đà tăng dân số. Thay vào đó, tỷ lệ sinh trên thế giới đã bắt đầu giảm nhanh, dẫn đến một kết quả khó tưởng tượng của Bẫy Malthus. Đó là dân số toàn cầu đang dần ổn định và thậm chí đang thu hẹp.

Biểu đồ dưới đây thể hiện tỷ lệ sinh giảm nhanh tại 49 quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2021, sử dụng dữ liệu từ báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc (UN). Biểu đồ này so sánh tỷ lệ sinh từ năm 1950 tới năm 2021 của các quốc gia này. 

Tỷ lệ sinh thường được đo lường bằng cách sử dụng một số liệu gọi là "tỷ lệ sinh thô" (CBR), đại diện cho số ca sinh ra sống trên 1.000 người trong một nhóm dân số nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể - thường là một năm.

CBR giảm xuống là một kết quả của việc tỷ lệ sinh toàn cầu suy giảm. CBR khác với tỷ suất sinh - chỉ số đo lường số con mà một phụ nữ có trong suốt cuộc đời mình. 

Dù tỷ lệ sinh của một quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tỷ suất sinh, chỉ số này cũng bị tác động bởi các yếu tố khác như quy mô dân số, cấu trúc tuổi của dân số, khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai, chuẩn mực văn hóa, chính sách của chính phủ và điều kiện kinh tế xã hội.

Tỷ lệ sinh toàn cầu đang giảm nhanh thế nào? - Ảnh 1

Bảng dưới đây thể hiện CBR của 49 quốc gia đông dân nhất thế giới và sự thay đổi trong giai đoạn từ năm 1950-2021. 

Tỷ lệ sinh toàn cầu đang giảm nhanh thế nào? - Ảnh 2

70 năm qua, các quốc gia trong danh sách đều chứng kiến tỷ lệ sinh giảm. Trong đó, Hàn Quốc có mức giảm lớn nhất với 86%. Việt Nam đứng thứ 23 với mức giảm 61%.

Hậu quả lớn nhất của tỷ lệ sinh giảm là dân số già đi nhanh chóng. Điều này đang xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

Khi số lượng trẻ em được sinh ra ít hơn, tỷ lệ người già so với dân số trong độ tuổi lao động cũng tăng lên. Sự mất cân bằng về nhân khẩu học này gây ra nhiều thách thức cho hệ thống phúc lợi xã hội, y tế và chế độ hưu trí. 

Ngoài ra, tỷ lệ sinh giảm cũng ảnh hưởng tới thị trường lao động và năng suất kinh tế. Lực lượng lao động thu hẹp có thể dẫn tới tình trạng thiếu lao động, tạo ra khoảng trống về kỹ năng và giảm khả năng đổi mới sáng tạo.

Không chỉ vậy, dân số suy giảm cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng - một nền tảng quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Điều này có thể buộc thế giới phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại.

Nguồn: TBKTVN