Quay lại

Nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong thập kỷ này

Nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới đây, giữa lúc một số công ty năng lượng khổng lồ công bố kế hoạch đẩy mạnh đầu tư trở lại đối với lĩnh vực nhiên liệu hoá thạch.

Trong một báo cáo công bố tuần vừa rồi, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng nhu cầu dầu của thế giới vẫn đang tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đến năm 2028 sẽ chỉ còn 0,4%.

“Sự dịch chuyển sang một nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc, và mức đỉnh của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ xuất hiện trước khi kết thúc thập niên này”, hãng tin CNN dẫn lời Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol.

Ông Birol nói thêm rằng cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái đã đẩy nhanh cuộc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt gần 106 triệu thùng/ngày vào năm 2028. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nhu cầu sẽ “thu hẹp dần” từ 2,4 triệu thùng/ngày hiện tại xuống chỉ còn 400.000 trong thời gian 5 năm tới.

IEA cho rằng “cơn khát” dầu toàn cầu còn có thể bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu nghiêm ngặt hơn, sự tăng trưởng của thị trường xe điện và những thay đổi về cơ cấu ở các nền kinh tế trên thế giới.

Trong dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, IEA cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phải đến giữa thập niên 2030 mới đạt đỉnh. Trong báo cáo đó, định chế có trụ sở tại Paris, Pháp cho rằng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các dạng năng lượng sạch hơn. IEA cũng dự báo ​​​​ đầu tư vào năng lượng carbon thấp trên toàn thế giới sẽ tăng lên 2 nghìn tỷ USD mỗi năm cho đến cuối thập kỷ hiện tại - tăng 50% so với mức của thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, sau một năm giá dầu tăng vọt và mang lại lợi nhuận hấp dẫn, một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới đang lên kế hoạch đầu tư nhiều hơn để tăng sản lượng dầu thô và khí đốt. IEA dự báo ​​đầu tư vào thăm dò và sản xuất dầu khí sẽ đạt mức 528 tỷ USD vào năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2015 và tăng 11% so với con số của năm ngoái.

Shell, công ty dầu khí đạt mức lợi nhuận kỷ lục 40 tỷ USD vào năm ngoái, tuần trước cho biết sẽ giữ sản lượng dầu ổn định cho đến năm 2030, thay đổi kế hoạch trước đó là cắt giảm sản lượng từ 1% đến 2% mỗi năm trong khoảng thời gian đó.

Người phát ngôn của Shell nói với CNN rằng mục tiêu của công ty đến cuối thập kỷ này giảm sản lượng dầu tới 20% so với mức cơ sở sản xuất năm 2019 là “không thay đổi”, nhưng Shell đã đạt được mục tiêu đó sớm hơn dự kiến, một phần nhờ việc bán bớt một số bộ phận của mảng dầu khí.

Hôm thứ Tư, Shell tuyên bố sẽ tăng 15% cổ tức cho cổ đông và chi ít nhất 5 tỷ USD để mua lại cổ phiếu trong nửa cuối năm nay.

Hãng BP, công ty báo cáo lợi nhuận kỷ lục 28 tỷ USD cho năm 2022, cũng đã tuyên bố vào đầu năm nay ý định thu hẹp kế hoạch cắt giảm sản lượng. BP hiện có kế hoạch đến năm 2030 giảm sản lượng dầu 25% so với mức của năm 2019, thay vì kế hoạch cũ là giảm sản lượng 40%.

Dù vậy, cả Shell và BP vẫn có kế hoạch trở thành doanh nghiệp không phát thải ròng vào năm 2050.

Ông Birol cho rằng các công ty dầu mỏ cần “hết sức chú ý” các dự báo mới nhất của IEA về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. “Các nhà sản xuất dầu cần… hiệu chỉnh các quyết định đầu tư của họ để đảm bảo quá trình chuyển đổi [năng lượng] có trật tự”, ông nói.

Nguồn: TBKTVN