Quay lại

Fed dự kiến giữ nguyên lãi suất

Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm dừng cuối trong lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo Reuters.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày 13-14/6 (giờ Mỹ), các quan chức Fed có thể báo hiệu nhiều đợt tăng lãi suất nữa sẽ đến sau khi họ dành thời gian đánh giá xem nền kinh tế đang phát triển ra sao, hệ thống tài chính có ổn định không và liệu lạm phát có tiếp tục giảm hay không.

Bà Blerina Uruci, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý tài sản toàn cầu T. Rowe Price Associates, cho biết: "Chúng ta có thể cần thắt chặt (chính sách tiền tệ - BTV) hơn một chút, nhưng không rõ là bao nhiêu", bất luận tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường việc làm trong lúc lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, trong tháng 4/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,9%, thấp hơn dự báo là 5% và đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Tương tự, CPI tháng 5 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong hơn 2 năm.

"Khi có nhiều điều bất định như vậy thì việc tiến hành (tăng lãi suất - BTV) một cách thận trọng là điều hợp lý", bà Blerina Uruci nhận xét.

Fed dự kiến công bố quyết định lãi suất và dự báo kinh tế hàng quý mới vào lúc 2 giờ chiều ngày 14/6 (múi giờ miền Đông Bắc Mỹ - EDT). Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, sẽ tổ chức họp báo nửa giờ sau đó.

Thị trường tài chính Mỹ phản ứng thận trọng trước nguy cơ suy thoái kinh tế và những lo ngại về lạm phát - những yếu tố mà giới phân tích cho là sẽ khiến Fed "bỏ qua chính sách diều hâu". Nhiều khả năng Fed sẽ tạm ngừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp lên ngưỡng 5,00% - 5,25% như hiện nay.

Sau cuộc họp chính sách lần này, các quan chức Fed được cho là sẽ phát tín hiệu về khả năng vẫn cần thêm hai đợt tăng 1/4 điểm phần trăm nữa vào cuối năm 2023.

Dữ liệu kể từ cuộc họp tháng 5 đã cung cấp cho Fed một bộ tín hiệu khó đọc và có nhiều điểm tranh luận.

Đơn cử, nền kinh tế Mỹ tiếp tục chứng kiến việc làm và tiền lương hàng tháng của người lao động tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm còn trống so với số người thất nghiệp - một trong những chỉ số được Fed theo dõi chặt chẽ - gần đây tăng lên như một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn còn chênh lệch giữa nhu cầu sử dụng lao động.

Mặt khác, lạm phát đang giảm chậm lại và ở một số khía cạnh, nó trở nên dai dẳng hơn dự đoán. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PEC) không bao gồm thực phẩm và năng lượng - thước đo lạm phát ưa dùng của Fed - đã không có sự cải thiện trong năm nay bởi tính đến tháng 4, chỉ số này đã tăng 4,7% so với cùng kỳ, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của Fed.

Tuy nhiên, một số thước đo giá cả trong tương lai cho thấy lạm phát Mỹ có thể giảm mạnh trong những tháng tới; tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể, từ 3,4% lên 3,7% trong tháng 5; và tốc độ tăng trưởng tín dụng đang giảm mạnh về 0, một chỉ dấu mà Fed đang theo dõi cẩn thận về ngành tài chính.

Một số quan chức Fed lo lắng nền kinh tế Mỹ có thể suy yếu nhanh chóng trong thời gian chờ đợi, ít nhất sáu tuần cho đến cuộc họp ngày 25-26 tháng 7 và những người lo ngại cho rằng Fed sẽ vẫn sẵn sàng tăng lãi suất cao hơn nếu áp lực giá cả không giảm bớt.

Các dự báo hàng quý gần đây nhất của Fed dự đoán lãi suất tham chiếu qua đêm sẽ chỉ giảm vào cuối năm 2024 nếu lạm phát cũng giảm và Fed sẽ có những động thái điều chỉnh lãi suất theo tình hình lạm phát. Sự "xoay trục" sang chính sách nới lỏng hơn sẽ chỉ xuất hiện vào năm 2025 khi lãi suất cơ bản được dự báo giảm nhiều hơn lạm phát.

Nguồn: Báo Đầu tư