Quay lại

Trung Quốc điều chỉnh chính sách phục hồi và phát triển kinh tế

Trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược “zero-covid” một cách cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ở trong nước; tuy nhiên, cách tiếp cận này đã gây ra những hậu quả nặng nề. Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ cách ly, mở cửa biên giới; đồng thời, bãi bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đại dịch, chấm dứt chiến lược zero-covid. Để vực dậy nền kinh tế, Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm.

Những áp lực và thách thức về kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng đã buộc Chính phủ Trung Quốc phải điều chỉnh cách tiếp cận chống dịch từ “zero-covid” nghiêm ngặt đến “zero-covid” năng động, rồi chuyển sang “sống chung với covid” và tiến tới mở cửa hoàn toàn. Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ cách ly, mở cửa biên giới; đồng thời, bãi bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đại dịch, chấm dứt chiến lược zero-covid siêu nghiêm ngặt đã gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho nền kinh tế và người dân của nước này. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc đã có những điều chỉnh chính sách, mục tiêu và trọng tâm công tác kinh tế năm 2023 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

THÁCH THỨC SAU ĐẠI DỊCH
Sau 3 năm đại dịch, Trung Quốc đứng trước một loạt thách thức về kinh tế, bao gồm các vấn đề nổi cộm ở trong nước như: tăng trưởng kinh tế suy giảm, nhu cầu trong nước yếu, áp lực kiểm soát rủi ro vẫn lớn (như rủi ro thị trường bất động sản, rủi ro tài chính…), kỳ vọng của đầu tư tư nhân và doanh nghiệp tư nhân chưa ổn định, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ cùng hộ kinh doanh cá thể gặp nhiều khó khăn; tình trạng thất nghiệp do tác động của đại dịch và các chính sách zero-covid kéo dài; hay về lâu dài là các vấn đề già hóa dân số,... cùng những bất ổn từ môi trường bên ngoài gia tăng (lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, đà tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới suy yếu, sự cạnh tranh địa chính trị với Mỹ ngày càng gay gắt…).

Năm 2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 3%, tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1970 nếu loại trừ năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19, với số lượng người không tìm được việc làm tăng cao. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng vọt ở mức 19,9% trong tháng 7/2022.

Trong năm 2022, Trung Quốc đã liên tục đưa ra và thử nghiệm nhiều biện pháp và cách thức khác nhau nhằm nỗ lực giải cứu tăng trưởng kinh tế đang suy yếu và giữ cho nền kinh tế hoạt động ổn định. Điển hình là, cuối tháng 5/2022, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra Gói chính sách 33 biện pháp hậu thuẫn tăng trưởng, sau đó bổ sung thêm 19 chính sách mới vào tháng 8/2022 (được gọi là Gói chính sách 2.0); tập trung vào sáu lĩnh vực chính, bao gồm: hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tiền tệ, đầu tư, tiêu dùng, an ninh lương thực và năng lượng, ổn định chuỗi cung ứng. Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào giữa tháng 12/2022, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đặt sự ổn định kinh tế lên hàng đầu.

Bước sang năm 2023, với việc từng bước mở cửa hoàn toàn, Trung Quốc tiếp tục tập trung nâng cao trình độ giám sát dịch bệnh, thúc đẩy việc nâng cấp vaccine và phát triển các loại thuốc mới, bảo đảm hiệu quả nhu cầu khám chữa bệnh để bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân.

8 GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 

Để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với áp lực phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19 và giải quyết các vấn đề nóng trong xã hội, tại kỳ họp Lưỡng hội 2023, trong bản Báo cáo Công tác Chính phủ, Trung Quốc đã đưa ra 8 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế, trong đó có những điểm nổi bật đáng chú ý.

Trung Quốc điều chỉnh chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh 1

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu là tập trung thúc đẩy, mở rộng nhu cầu trong nước trong năm 2023.

Trung Quốc sẽ tập trung thúc đẩy chi tiêu của người dân, ổn định tiêu dùng đại trà như ô tô; thúc đẩy phục hồi tiêu dùng các dịch vụ đời sống như: ăn uống, văn hóa, du lịch, thể thao. Để khôi phục và mở rộng tiêu dùng, việc nâng cao thu nhập của dân cư là rất quan trọng. Bởi vậy, Chính phủ nước này sẽ tìm cách nâng cao thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn thông qua nhiều kênh (như: tìm mọi cách để gia tăng việc làm, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, các khu công nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể; cải thiện hệ thống phân phối thu nhập và cải thiện hệ thống an sinh xã hội…).

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn trong "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14" (Tính đến ngày 5/3/2023, tổng cộng 18 tỉnh, thành phố, khu đô thị của Trung Quốc đã công bố danh sách các dự án lớn cho năm 2023, trong đó mức đầu tư theo kế hoạch hàng năm được công bố đã vượt 5,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng khoảng 8,6% so với năm 2022); tiếp tục tăng cường hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; khuyến khích, thu hút thêm nguồn vốn tư nhân tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, công trình ngắn hạn và kích thích sức sống của đầu tư tư nhân.

Thứ hai, xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, tập trung vào các chuỗi công nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực sản xuất, phân chia các nguồn lực chất lượng và thực hiện những biện pháp cụ thể để đạt được đột phá trong các ngành công nghệ cốt lõi thuộc những lĩnh vực then chốt.

Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ cho phát triển công nghiệp; tập trung nguồn lực chất lượng cao để cùng thúc đẩy đột phá của công nghệ cốt lõi quan trọng và kích thích sự đổi mới. Tăng cường thăm dò và phát triển các nguồn năng lượng và khoáng sản quan trọng trong nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các ngành công nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp nhỏ  và vừa; thúc đẩy nâng cao mức độ hiện đại, thông minh và xanh hóa; phát triển mạnh mẽ nền kinh tế kỹ thuật số và hỗ trợ sự phát triển của kinh tế nền tảng.

Thứ ba, nỗ lực hơn nữa để thu hút và sử dụng vốn nước ngoài.

Để bảo đảm sự phục hồi vững chắc, Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó chú trọng thu hút và tận dụng đầu tư nước ngoài; mở rộng tiếp cận thị trường và tăng cường mở cửa các ngành dịch vụ hiện đại. Theo Báo cáo Công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2023, Trung Quốc tích cực thực hiện các bước đi tiếp theo để gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như các thỏa thuận kinh tế và thương mại chất lượng cao khác.

Thứ tư, phòng ngừa và hóa giải hiệu quả các rủi ro lớn về kinh tế, tài chính...

Nguồn: TBKTVN