Quay lại

Trung Quốc: Thị trường tiêu dùng không có dấu hiệu phục hồi hình chữ V

Thị trường vẫn trầm lắng...

Ông Daniel Zipser, trưởng bộ phận bán lẻ và tiêu dùng châu Á tại công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, cho biết: "Tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy sự cải thiện ngày càng tăng trong năm tới". "Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy đây sẽ là một sự phục hồi mạnh mẽ, hình chữ V", ông Zipser nhận định.

Ông Zipser là quản lý cấp cao tại McKinsey và là tác giả của báo cáo mới có tên "Tiêu dùng tại Trung Quốc: Bắt đầu một kỷ nguyên mới".

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc nhìn chung vẫn mờ nhạt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Mặc dù Trung Quốc bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 vào cuối năm ngoái, nhưng nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn giảm và suy thoái bất động sản trong nước đã đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại. Chính phủ nước này đang khắc phục các vấn đề tồn tại kéo dài của ngành bất động sản, trong khi căng thẳng với các đối tác thương mại lớn như Mỹ vẫn gia tăng.

Tất cả những yếu tố đó đã khiến tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc thận trọng như khoảng một năm trước, thời điểm quốc gia này vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19.

"Sự phục hồi kinh tế tổng thể và sự phục hồi của thị trường bất động sản Trung Quốc không phải là điều mọi người trông đợi", ông Zipser nhận xét.

Nhà phân tích của McKinsey cho rằng: "Mọi người nhận thức được những căng thẳng địa chính trị, rất ý thức về việc… xuất khẩu đang sụt giảm". "Họ vẫn chưa tin tưởng rằng điều này sẽ cải thiện [vào] năm 2024, 2025".

... nhưng ranh giới "người thắng kẻ thua" vẫn rõ ràng

Bất luận thị trường chung u ám, cách biệt về tăng trưởng vẫn xuất hiện giữa các công ty tiêu dùng Trung Quốc. Các phân tích của McKinsey đối với 80 công ty tiêu dùng niêm yết tạo ra phần lớn doanh thu từ thị trường Trung Quốc đại lục đã chỉ ra sự khác biệt lớn rằng nhiều công ty đạt mức tăng trưởng hai con số trong khi những công ty khác ghi nhận mức giảm hai con số.

"Tôi nghĩ ngày xưa, bạn có thể đầu tư vào bất cứ thứ gì bạn muốn, mọi thứ sẽ phát triển, hầu hết các công ty đều hoạt động tốt", ông Zipser nói. Tuy nhiên, "những ngày đó đã qua rồi", chuyên gia của McKinsey nhấn mạnh.

Thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn và coi trọng chất lượng sản phẩm hơn và "người tiêu dùng sành sỏi hơn nhiều". Những thị hiếu đó đã thay đổi nhanh chóng cùng với sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ qua, tạo ra một thị trường béo bở cho các tập đoàn Mỹ như Apple và Starbucks.

Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 2012 đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lên 12.720 USD. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Mỹ đã tăng khoảng 47% trong 10 năm đó lên 76.398 USD vào năm 2022.

Câu chuyện của ngành bán lẻ cũng cho thấy quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc. Ngay cả khi nền kinh tế này tăng trưởng chậm lại, xuống còn khoảng 4% hoặc 5% một năm, thì mức tăng doanh số bán lẻ của thị trường này bằng tổng doanh số bán lẻ của Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia cộng lại, ông Zipser dẫn chứng.

Cho nên, tăng trưởng chậm hơn vẫn là kết quả cần ghi nhận. Trong 10 tháng đầu năm 2023, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và kết quả này vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.

Các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đã công bố đạt tăng trưởng doanh thu trong quý III/2023. Trong khi mức tăng trưởng của hầu hết các công ty thương mại điện tử còn khiêm tốn, thì nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo, với chiến lược tập trung vào giá hời, đã ghi nhận doanh thu tăng gần gấp đôi từ mức cơ bản.

Về xu hướng tiêu dùng, ông Zipser lưu ý rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ thay vì hàng hóa. "Chúng tôi đặc biệt nhận thấy các công ty kinh doanh nhà hàng đang hoạt động tốt", nhà phân tích của McKinsey cho biết thêm. Đáng chú ý, các mặt hàng liên quan như rượu cũng đang có mức tiêu thụ tăng lên.

Ở một góc độ khác, báo cáo của McKinsey cho thấy du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. Tuy nhiên, McKinsey kỳ vọng người dân Trung Quốc sẽ đi du lịch nước ngoài nhiều hơn bởi việc xin visa đã trở nên dễ dàng hơn và chi phí chuyến bay cũng đã giảm.

Nguồn: Báo Đầu tư