Quay lại

Thấy gì từ mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” mà Trung Quốc đề ra cho năm 2024?

Trình bày báo cáo trên, Thủ tướng Lý Cường cũng cam kết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất. Về tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên tổng sản phẩm trong nước (GDP), Trung Quốc đặt mục 3% trong năm nay, thấp hơn so với mức điều chỉnh tăng hiếm gặp lên 3,8% vào cuối năm ngoái so với mục tiêu 3% đề ra vào đầu năm.

KẾ HOẠCH PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT “SIÊU DÀI HẠN”

Báo cáo công tác cũng cho biết Bắc Kinh sẽ phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (138,9 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt “siêu dài hạn” trong năm nay để rót vốn vào các dự án lớn phù hợp với chiến lược quốc gia, bên cạnh 3,9 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu có mục đích đặc biệt sẽ được các chính quyền địa phương phát hành, tăng 100 tỷ nhân dân tệ so với năm ngoái.

“Chúng ta cần gia tăng một cách thích hợp cường độ của chính sách tài khóa chủ động, cũng như cải thiện chất lượng và hiệu quả của chính sách này”, báo cáo tại phiên họp với sự tham dự của 2.800 đại biểu có đoạn viết.

Theo bà Louise Loo, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics, thâm hụt ngân sách chính thức của Trung Quốc không bao gồm các khoản trái phiếu đặc biệt, trái phiếu ngân hàng chính sách và nợ của chính quyền địa phương. Tuần trước, bà Loo dự báo thâm hụt ngân sách của Trung Quốc sẽ dao động trong khoảng 3-3,5% trong năm nay.

Một báo cáo của IMF hồi đầu năm nay cho biết các cuộc trao đổi giữa giới chức của định chế này với các quan chức Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh xem chính sách tài khóa năm ngoái là chủ động.

“Trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn phát hành thử nghiệm sẽ không bị tính vào thâm hụt và có thể được phát hành vào thời điểm thích hợp dựa trên điều kiện thị trường và kinh tế theo xu hướng tăng đòn bẩy nợ một cách vừa phải của chính phủ trung ương để đảm bảo linh hoạt,” nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của công ty tư vấn bất động sản JLL nhận định với hãng tin CNBC.

 “Loại trái phiếu này có thể dần dần thay thế việc phát hành trái phiếu đặc biệt của địa phương để hỗ trợ tốt hơn cho việc hoạch định chiến lược lớn và dài hạn của đất nước, cũng như xây dựng các khu vực trọng điểm và thực thi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn”, ông Pang nói thêm.

Năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 5,2%, phù hợp với mục tiêu chính thức mà Chính phủ nước này đề ra vào đầu năm là khoảng 5%. Những năm gần đây, Trung Quốc hạ dần mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thay vào đó đề cao vấn đề chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, sự phục hồi tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch chậm hơn nhiều so với dự kiến, và tăng trưởng cũng đối mặt với lực cản từ sự sụt giảm của hai lĩnh vực quan trọng là bất động sản và xuất khẩu.

Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị khoảng 5,5%, tạo ra 12 triệu việc làm mới tại các thành phố và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cả năm khoảng 3%. Các mục tiêu năm 2024 này cũng giống như các mục tiêu đã đặt ra cho năm 2023.

Năm 2023, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết cả nước có tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 5,2% ở các thành phố và tạo được 12,44 triệu việc làm mới. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng lún sâu vào giảm phát.

TRUNG QUỐC KHÔNG MUỐN KÍCH THÍCH KINH TẾ QUÁ NHIỀU

Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc cho biết “các động lực phát triển nội tại đang được xây dựng”, nhưng nói thêm rằng nước này nên “chuẩn bị sẵn sàng cho mọi rủi ro và thách thức”. Trong báo cáo này, Trung Quốc cũng cam kết cải thiện các cơ chế dài hạn để ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro.

“Chúng ta sẽ thực thi một gói biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do các khoản nợ hiện tại gây ra và đề phòng rủi ro phát sinh từ các khoản nợ mới. Chúng ta sẽ thực hiện các bước đi thận trọng để giảm thiểu rủi ro tại các tổ chức tài chính vừa và nhỏ ở một số địa phương, đồng thời thực hiện các biện pháp cứng rắn chống lại các hoạt động tài chính bất hợp pháp”, báo cáo có đoạn viết

Ngoài ra, báo cáo cũng bao gồm nội dung cam kết “đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của các doanh nghiệp bất động sản thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau trên cơ sở bình đẳng” và “thực hiện các nỗ lực phối hợp để giảm thiểu rủi ro nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo sự phát triển ổn định”.

Những thách thức trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn ngân sách của chính quyền các địa phương vì trước đây thu ngân sách của các địa phương chủ yếu dựa vào việc cấp quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp địa ốc.

“Ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro trong một số lĩnh vực nhất định vẫn là một nhiệm vụ đầy thách thức. Những rủi ro tiềm ẩn như rủi ro liên quan đến nợ và rủi ro tài chính vẫn còn lớn ở một số địa phương và cần có thời gian để thúc đẩy mô hình phát triển mới cho lĩnh vực bất động sản”, báo cáo viết.

“Các nhà hoạch định chính sách có vẻ hài lòng với quỹ đạo hiện tại” của nền kinh tế - ông Ben Bennett, chiến lược gia đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty Legal And General Investment Management, nhận định về báo cáo công tác trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. Ông cũng cho biết các mục tiêu kinh tế mà Trung Quốc đề ra hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng của ông.

“Điều đó thật đáng thất vọng đối với những người đặt hy vọng vào một cú huých lớn hơn… Báo cáo thể hiện sự ủng hộ đối với nợ của chính quyền địa phương và lĩnh vực bất động sản, nhưng điều quan trọng là các biện pháp sẽ được triển khai như thế nào trên thực tế”, ông Bennett nói.

Giáo sư kinh tế Xia Qingjie tại Đại học Bắc Kinh nhận định “Chính phủ Trung Quốc không muốn kích thích kinh tế quá nhiều và cũng muốn giữ đòn bẩy ở mức tương đối thấp”.

Giới phân tích nói chung tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ mục tiêu tăng trưởng hàng năm trong tương lai. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt mức 4,6% trong năm nay và tiếp tục giảm trong trung hạn, xuống còn khoảng 3,5% vào năm 2028.

Nguồn: TBKTVN