Quay lại

Sau 14 năm “đốt” tiền, công ty mẹ của Shopee cuối cùng đã có lãi

Sea Limited vừa công bố năm kinh doanh có lãi đầu tiên, trong bối cảnh công ty công nghệ khổng lồ của khu vực Đông Nam Á này nỗ lực bảo vệ thị phần trước sự cạnh tranh dữ dội của hai đối thủ lớn là Lazada và TikTok.

Báo cáo tài chính công bố ngày 4/3 của Sea cho thấy công ty lãi ròng 162,7 triệu USD trong năm 2023, so với khoản lỗ ròng 1,7 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên trong quý 4/2023, công ty lỗ ròng 111,6 triệu USD so với mức lãi ròng 422,8 triệu USD cùng kỳ năm trước.

“Chúng tôi đã đạt được lợi nhuận trong năm 2023, củng cố vị thế dẫn dầu thị trường ở mảng kinh doanh thương mại điện tử, tiếp tục phát triển mảng dịch vụ tài chính số và ổn định kết quả hoạt động ở mảng giải trí số”, Chủ tịch kiêm CEO của Sea, ông Forrest Li, phát biểu sau khi công ty công bố báo cáo tài chính.

Trước đó, Sea đã thua lỗ triền miên, với tổng lỗ lên tới nhiều tỷ USD kể từ ngày thành lập vào năm 2009. Có trụ sở đặt tại Singapore, công ty này tập trung vào thị trường Đông Nam Á và có các mảng kinh doanh bao gồm thương mại điện tử là sàn Shopee, dịch vụ tài chính SeaMoney, và trò chơi Garena.

“Chúng tôi đã đạt được một bảng cân đối kế toán mạnh mẽ hơn nhiều, với vị thế tiền mặt tăng lên mức 8,5 tỷ USD vào cuối năm 2023, cho thấy kỷ luật và sự khôn ngoan mà chúng tôi đã áp dụng trong đầu tư trong suốt năm qua”, ông Li phát biểu.

Cổ phiếu Sea niêm yết tại thị trường New York đóng cửa với mức tăng 5,58% trong phiên ngày 4/3, đạt 53,9 USD/cổ phiếu. Ông Li cho biết công ty dự báo sẽ tiếp tục có lãi trong năm 2024.

Mảng thương mại điện tử của Sea, sàn Shopee, đã đạt được “sự gia tăng thị phần đáng kể” trong năm 2023 bất chấp “sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Đông Nam Á” - công ty cho biết. Sea cũng tiết lộ thị phần của Shopee trong khu vực đã “được củng cố” và công ty dự định “duy trì thị phần mức thị phần này trong năm 2024”.

Tại thị trường Đông Nam Á, Shopee đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ như Lazada - sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu “đế chế” Alibaba hay Tokopedia của Indonesia. Tokopedia đã sáp nhập với TikTok Shop ở Indonesia để tạo thành một thực thể Tokopedia mở rộng, trong đó TikTok nắm giữ cổ phần kiểm soát 75,01%.

Hồi tháng 8/2023, Sea cho biết sẽ tập trung vào tăng trưởng hơn là lợi nhuận - một sự đi ngược lại so với các biện pháp cắt giảm chi phí gần đây trong bối cảnh kinh tế bấp bênh. Các nhà phân tích cho rằng sự chuyển hướng này của Sea là một động thái nhằm bảo vệ thị phần.

SeaMoney cũng có lãi lần đầu tiên trong năm 2023. Công ty kỳ vọng trò chơi chủ lực Free Fire của mình “sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hai con số hàng năm về cả cơ sở người dùng và số lượt đặt (booking) trong năm 2024”.

Nhà phân tích Sachin Mittal của ngân hàng DBS nhận định triển vọng kết quả kinh doanh năm 2024 mà Sea đưa ra là “tích cực và gây bất ngờ”. Sau khi Sea công bố báo cáo tài chính, DBS nâng khuyến nghị đối với giá cổ phiếu Sea từ “giữ” lên “mua” với mức giá mục tiêu là 75 USD/cổ phiếu.

“Điều này liên quan đến việc TikTok không quá hung hãn ở Indonesia. Họ đã đạt được những gì họ muốn vớiTokopedia và hiện đang tập trung vào vấn đề tuân thủ quy định”, ông Mittal nhận xét trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

Tương tự, nhà phân tích Khang Chuen Ong của công ty CGS-CIMB Securities cũng nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu Sea từ “giữ” lên “mua”, với mức giá mục tiêu tăng từ 46 USD/cổ phiếu lên 74 USD/cổ phiếu.

“Chúng tôi tin là Sea đang ở vào giai đoạn đầu của một quá trình chuyển biến thành công, khi áp lực cạnh tranh giảm bớt và việc đầu tư vào livestream, thu hút người dùng mới… bắt đầu mang lại kết quả”, một báo cáo của công ty phân tích Wedbush nhận định.

Nguồn: TBKTVN