Quay lại

Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 12,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 4,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 7% tổng xuất khẩu của Việt Nam đến thế giới.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 14,7% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Như vậy nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc có giá trị 3,8 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2023.        

Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là nhóm chế biến, chế tạo (3,6 tỷ USD, tăng 11,5%); nhóm nông, thuỷ sản (184 triệu USD, tăng 15,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (38,4 triệu USD, tăng 24%); nhóm vật liệu xây dựng (165,6 triệu USD, tăng 10%).

Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh gồm: hạt tiêu (4,9 triệu USD, tăng 128,3%); phân bón các loại (25,2 triệu USD, tăng 64%); phương tiện vận tải, phụ tùng (241,6 triệu USD, tăng 60,4%); chất dẻo nguyên liệu (8 triệu, tăng 61%); cao su (13 triệu USD, tăng 59,3%), cà phê (21 triệu USD, tăng 53%); than đá (0,4 triệu, tăng 45%).      

 DƯ LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT VƯỢT MỨC CHO PHÉP

Tuy nhiên điều đáng buồn, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, mới đây, trong tháng 1/2024, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm xoài nhập khẩu đang được bán tại thị trường Hàn Quốc. Trong đó các sản phẩm xoài xuất xứ từ Việt Nam và Philippines có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lần lượt là 0.08 và 0.05 vượt quá mức quy định của hệ thống PLS (0.01mg/g).

Sản phẩm xoài của Việt Nam được đóng gói trong bao 5kg bị phát hiện tồn dư chất Permethrin – hoạt chất chuyên dùng để trừ bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục bông, đục trái...

MFDS đã tiến hành thu hồi sản phẩm xoài xuất xứ Việt Nam do công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và khuyến cáo người tiêu dùng đã mua các sản phẩm xoài xuất khẩu Việt Nam mang trả lại nơi bán. Sau thông báo thu hồi ngày 22/01 không phát hiện thêm các lô hàng xoài xuất xứ Việt Nam vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, xoài là sản phẩm trái cây nhiệt đới được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc bên cạnh chuối và dứa nên nhu cầu tiêu thụ là rất lớn. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu xoài Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng từ 7,9 triệu USD (2022) lên 9,9 triệu USD (2023) nhưng các sản phẩm xoài của Việt Nam vẫn chưa chú ý đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến những vi phạm đáng tiếc về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia đánh giá, nhiều khả năng xoài của Việt Nam vượt ngưỡng quy định cho phép là do được trồng tại các vùng đất chưa được làm sạch thuốc bảo vệ thực vật và được trồng phân tán nên khó kiểm soát toàn bộ quá trình trồng, thu hoạch và xử lý hơi nước. Do đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến thông tin, cảnh báo sớm cho doanh nghiệp xuất  khẩu xoài của Việt Nam.

Trước đó, năm 2023, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam Nam đang được bán tại thị trường Hàn Quốc cũng đã bị MFDS thu hồi do phát hiện dư lượng PLS vượt ngưỡng cho phép khi kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

“Những vụ việc như trên nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh nông sản của Việt Nam. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản nói chung cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này”, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị.

NHIỀU DOANH NGHIỆP CHƯA CHẤP HÀNH KIỂM TRA TẠI CHỖ

Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa chấp hành kiểm tra tại chỗ. Cụ thể, ngày 29/2/2024, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về các cơ sở thực phẩm Việt Nam chưa chấp hành việc kiểm tra tại chỗ.

Theo Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu, MFDS tiến hành kiểm tra tại chỗ năm 2024 đối với các cơ sở thực phẩm nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, có 4 cơ sở sản xuất thực phẩm Việt Nam đã chưa chấp hành việc kiểm tra tại chỗ năm 2024 gồm: chi nhánh 2- Công ty TNHH Thực phẩm Tinh Nguyên (huyện Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh); Công ty TNHH Nông sản COVINA (Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh); Công ty TNHH MODA VINA (tỉnh Bình Dương); Công ty Cổ phần MONDELEZ Kinh Đô Việt Nam (tỉnh Bình Dương).

Theo đó, phía Hàn Quốc thông báo đã tạm dừng nhập khẩu thực phẩm từ 4 công ty trên (kể từ ngày giao hàng ngày 22/02/2024). Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cũng thông báo sẽ dỡ bỏ việc đình chỉ nhập khẩu thực phẩm trên dựa trên kết quả của các cuộc kiểm tra tại chỗ tiếp theo được thực hiện tại các cơ sở này.

Mặt khác, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Hàn Quốc (18/3/2024) đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Mặt hàng thực phẩm cần kiểm tra là ớt cay. Hạng mục kiểm tra: 7 thuốc trừ sâu (Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolane, Metominostrobin). Thời gian thi hành từ 31/3/2023~ 30/3/2024.

MFDS Hàn Quốc sẽ gia hạn lệnh kiểm tra từ 31/3/2023 ~ 30/3/2025 (thay vì 30/3/2024) do các thực phẩm nhập khẩu liên tục không tuân thủ các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật.

Danh sách các mặt hàng thực phẩm phải kiểm tra được đăng trên trang web MFDS (http://www.mfds.go.kr) theo Điều 3 của “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”.

Ngoài ra, cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh Hàn Quốc có ý định nhập khẩu thực phẩm theo lệnh kiểm tra phải nộp báo cáo thử nghiệm do các phòng thí nghiệm được MFDS phê duyệt cấp khi khai báo nhập khẩu.

Tính đến tháng 2/2024, có 59 phòng thí nghiệm được MFDS phê duyệt ở trong và ngoài Hàn Quốc. Tại Việt Nam có 8 cơ sở đã được MFDS phê duyệt gồm: Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng I (NAFIQAD I); NAFIQAD II; NAFIQAD III; NAFIQAD IV; NAFIQAD V; NAFIQAD VI; Công ty TNHH Intertek Việt Nam - Phòng thí nghiệm chi nhánh Cần Thơ; Công ty TNHH SGS Việt Nam - Phòng Thí nghiệm Thực phẩm.

Nguồn: TBKTVN