Quay lại

Xây dựng và định vị thương hiệu để hàng Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Pháp

Sau 3 năm triển khai Tuần hàng vinh danh Tết Nguyên đán Việt Nam tại Pháp và hàng loạt các Tuần lễ hàng Việt Nam trên khắp nước Pháp được tổ chức thông qua các hệ thống đại siêu thị thuộc các tập đoàn bán lẻ lớn nhất Pháp là Carrefour, E.Leclerc và Sys U… người tiêu dùng nước sở tại đã biết đến hàng Việt Nam.

Đây là kết quả của mô hình hợp tác ba bên giữa Nhà phân phối bán lẻ, Nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam thông qua cầu nối là Thương vụ Việt Nam tại Pháp, với sự chỉ đạo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và sự phối hợp của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) được triển khai theo Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các kênh phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2030.

Am hiểu về thị trường, về văn hóa, mô hình và tập quán kinh doanh, với lợi thế xây dựng được những mối quan hệ gắn kết với các nhà nhập khẩu, phân phối, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp cùng với các đối tác xây dựng chương trình tổng thể trung và dài hạn trong việc quảng bá, lan tỏa văn hóa, ẩm thực và hàng hóa Việt Nam tới đông đảo người tiêu dùng tại Pháp.

Mô hình hợp tác đã thành công đưa gạo thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trên các kệ hàng của hai đại siêu thị lớn nhất tại Pháp là E.leclerc và Carrefour. Tiếp đến là gia vị Việt Nam cũng được đưa lên kệ hàng tới tay người tiêu dùng Pháp với thương hiệu Dh Foods.

Hiện Thương vụ Việt Nam tại Pháp tiếp tục phối hợp với các đối tác để mang lại nhiều hơn nữa sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới tay người tiêu dùng bản địa. Hàng hóa Việt Nam sẽ dần được đưa vào thị trường Pháp với thương hiệu của chính doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định, đây là cách hữu hiệu nhất để định hướng cũng như tạo thói quen tiêu dùng của người Pháp, từ đó mở rộng nhu cầu của thị trường đối với hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng với một thị trường đã được định hình lâu năm như Pháp và châu Âu, ở đó nhu cầu với hàng Á Châu đã "gần chạm ngưỡng" và số lượng nhà cung cấp, phân phối đã ổn định, việc đưa thêm hàng hóa vào thị trường không chỉ đòi hỏi nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp mà cần có vai trò cầu nối của các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu phải luôn đổi mới chính mình, nắm rõ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu chặt chẽ nhất của thị trường đích đến.

Đặc biệt, để xuất khẩu bền vững, mang lại giá trị gia tăng ngày càng cao hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần có một “chiến lược phát triển quốc tế” bài bản, không giới hạn tư duy về một hoạt động bán hàng xuất khẩu đơn thuần.

Theo ông Sơn, một doanh nghiệp với chiến lược phát triển quốc tế bài bản sẽ hiểu rõ được tình hình, nhu cầu của thị trường, tiềm năng đầu ra cho sản phẩn, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm của mình. Quan trọng hơn nữa đó là xây dựng được một mối quan hệ đối tác với đơn vị nhập khẩu, nhà phân phối mà ở đó có sự đồng hành và chia sẽ lợi ích cũng như rủi ro.

“Chỉ có bằng cách đó các doanh nghiệp mới tìm được chỗ đứng trên một thị trường đang trở nên ngày càng khó khi đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ Pháp đã tuyên bố sẽ áp đặt nhiều các điều kiện với hàng nông sản thực phẩm hơn nữa nhằm giúp hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ và tạo đầu ra cho chính những sản phẩm nông sản Pháp”, ông Sơn thông tin.

Ông Franck Kenner, Giám đốc điều hành Carrefour Pháp, cho biết Carrefour quan tâm tới sự đa dạng sản phẩm cung cấp tới người tiêu dùng Pháp và Việt Nam với ẩm thực tinh tế, có lợi cho sức khỏe.

“Chính vì vậy chúng tôi rất quan tâm sự hiện diện nhiều hơn nữa ẩm thực, hàng hóa nông sản Việt Nam trong chuỗi các siêu thị của Carrefour để có thể mang lại trải nghiệm, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng Pháp”, ông Franck Kenner nhấn mạnh.

Bộ Công Thương nhận định, EU hiện là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới trong đó Pháp là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam nhưng Việt Nam mới chiếm khoảng 2% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU.

Do đó, để gia tăng thị phần hàng hóa tại EU cũng như Pháp, việc xây dựng, định vị thương hiệu là hết sức quan trọng. Các yếu tố trong xây dựng thương hiệu đó là sản phẩm tốt, chính sách quảng bá tốt và kênh tiếp cận khách hàng thích hợp.

Hơn nữa với doanh nghiệp, để xây dựng thương hiệu, trước hết phải có sản phẩm tốt. Sản phẩm tốt không phải là thứ doanh nghiệp có mà là thứ khách hàng cần.

Ngoài ra, để xây dựng thương hiệu thành công, cần có chiến dịch quảng bá một cách tổng thể, bắt đầu từ chiến dịch quảng bá mặt hàng cụ thể của doanh nghiệp, chiến dịch quảng bá ngành hàng tới bạn bè quốc tế và có định hướng, chiến lược tầm quốc gia.

Nguồn: TBKTVN