Quay lại

Ước tính có 162.500 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024

Theo Tổng cục Thống kê, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine có thể kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường; tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.

 

Trên bình diện thế giới, vấn đề kiểm soát lạm phát thành công đi kèm các chính sách kiểm soát vẫn là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế của thế giới, nhất là các quốc gia phát triển. Các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng; lạm phát tuy đã có dấu hiệu chậm lại, nhưng một số nền kinh tế lớn được dự báo vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. 

Cùng với đó, nợ công toàn cầu gia tăng, tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường, bên cạnh áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh.

Về tình hình trong nước, Tổng cục Thống kê cho rằng năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

Tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm. 

Trong bối cảnh đó và trên cơ sở tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dự báo tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162.500 doanh nghiệp.

Đối với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trên cơ sở tình hình năm 2023 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh điều chỉnh ước thực hiện năm 2024 từ 74.000 doanh nghiệp xuống còn khoảng 68.000 doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 dự kiến sẽ vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên mức tăng này kỳ vọng sẽ hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dự kiến con số này tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương hơn 178.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (trong đó, có khoảng 10% là số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường). 

Nguồn Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam - Nhipcaudautu