Quay lại

Ngành điều quay về với nguồn nguyên liệu nội

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 276.000 tấn hạt điều, mang về 1,61 tỷ USD, tăng lần lượt 10,5% về sản lượng và 7,7% trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong quý 2/2023 ở mức 5.805 USD/tấn, giảm 2,3% so với quý 1/2023 và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh Bình Phước được xem là “thủ phủ” điều của Việt Nam, chiếm hơn 50% lượng điều chế biến xuất khẩu của cả nước. Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, cho biết trên địa bàn tỉnh có 1.416 cơ sở chế biến điều, mỗi năm đóng góp 27% - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của Bình Phước đạt 1,045 tỷ USD.

Thế nhưng đằng sau con số tăng trưởng về xuất khẩu hạt điều trong nửa đầu năm 2023, điều ít ai ngờ tới là tình trạng “dở sống dở chết” của các doanh nghiệp chế biến điều. Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, hiện nhiều doanh nghiệp điều trên địa bàn tỉnh buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động, thậm chí có những doanh nghiệp rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

NGHỊCH LÝ NGÀNH ĐIỀU: NHẬP CAO, BÁN THẤP
Đã nhiều tháng nay, công ty của ông Trần Quốc Hùng tại thị xã Phước Long chỉ còn hoạt động cầm chừng. Trước đây, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp chế biến 100 tấn hạt điều, nay giảm chỉ còn 1/5, doanh nghiệp đã cho hơn nửa số công nhân nghỉ việc.

“Mặc dù vẫn có đơn đặt hàng, nhưng giá xuất khẩu điều chế biến hiện thấp hơn giá thành sản xuất, ước tính cứ làm ra một kg điều nhân doanh nghiệp lỗ từ 4.000 - 5.000 đồng. Giá nguyên liệu cao mà giá điều nhân chế biến giảm. Hiện nay doanh nghiệp bán được sản phẩm cũng chết mà không bán được cũng chết vì không thể xoay ra dòng tiền, lại mất thêm tiền bảo quản, kho bãi”, ông Hùng nêu thực tế.

Ngành điều quay về với nguồn nguyên liệu nội - Ảnh 1

Lý giải về nghịch lý này, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho hay Việt Nam nắm giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều trong nhiều năm liền, hiện chiếm hơn 75% lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tăng cường chế biến sâu. Nhờ đó, bên cạnh những sản phẩm truyền thống như hạt điều rang muối, hạt điều còn vỏ lụa rang muối..., nhiều sản phẩm mới đã được ra đời và được thị trường đón nhận tích cực, như: hạt điều mật ong, hạt điều tẩm gia vị, hạt điều wasabi, hạt điều sấy mè trắng, kẹo hạt điều…

Tuy nhiên, do tổng công suất chế biến của ngành điều quá lớn, cao gấp 4 lần sản lượng điều trồng trong nước, nên phải nhập điều thô từ các nước châu Phi về gia công.

“Một nghịch lý, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới thì những năm gần đây, lượng nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam để làm thêm một vài công đoạn rồi xuất khẩu lại tăng nhanh. Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước”, ông Bạch Khánh Nhựt chua chát nói.

Những năm gần đây, các nước chuyên cung cấp điều nguyên liệu cho Việt Nam (như Bờ Biển Ngà, Campuchia), một mặt, đầu tư vào chế biến xuất khẩu để cạnh tranh với Việt Nam, mặt khác, tăng giá bán nguyên liệu lên cao ngất ngưởng.

Do lo ngại thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp chế biến điều nước ta từng có những thời điểm ồ ạt nhập khẩu nguyên liệu bất chấp giá tăng cao. Điển hình như năm 2021, ngành điều Việt Nam chi tới 4,1 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu, trong khi cùng năm xuất khẩu điều chế biến chỉ được 3,6 tỷ USD, dẫn đến hàng triệu tấn nguyên liệu không chế biến kịp, tồn kho lâu ngày, bị giảm chất lượng.

Tình trạng này tiếp diễn vào năm 2022, khối lượng điều nguyên liệu nhập khẩu vẫn lớn hơn tổng sản lượng điều thô toàn ngành chế biến trong một năm, dẫn đến hậu quả, trong nửa đầu năm 2023, phần lớn các doanh nghiệp không còn chế biến từ điều thô sang điều nhân như trước kia nữa, mà phải tái chế lại hàng tồn kho. Đó là lý do khiến giá thành hạt điều tăng cao, nhưng phải xuất khẩu sản phẩm với giá thấp hơn do chất lượng sản phẩm giảm.

XÂY DỰNG GIÁ TRỊ BẰNG NGUYÊN LIỆU NỘI
VINACAS cho biết gần đây Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ các nguồn cung tại châu Phi như Bờ Biển Ngà, Togo, Tanzania, Benin. EU cũng giảm nhập khẩu hạt điều từ Bình Phước (Việt Nam) nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà.

Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS, ngành điều Việt Nam hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi Campuchia, các nước Tây Phi và Đông Phi có quỹ đất lớn cũng đang đẩy mạnh phát triển cây điều và ngành chế biến, xuất khẩu nhân điều.

Trong tình thế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thoát qua “cửa tử”, với việc quay trở về liên kết đầu tư xây dựng vùng trồng điều nguyên liệu trong nước. Ý thức được giá trị hạt điều Bình Phước, ông Trương Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Như Hoàng (huyện Bù Đăng) cho biết Hợp tác xã đã chọn ngã rẽ mới, đó là kinh doanh hạt điều nguyên bản của Bình Phước. Đây là sản phẩm đã được thế giới kiểm định và công nhận chất lượng tốt nhất, có đặc trưng riêng. Khi khách hàng sử dụng hạt điều Bình Phước sẽ ưa thích chất lượng sản phẩm hơn hạt điều của nước khác trên thế giới.

Năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Năm 2023, Vinacas đặt mục tiêu xuất khẩu điều đạt 3,1 tỷ USD.

Ông Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt điều vàng (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), cho rằng muốn tồn tại trong thị trường điều khắc nghiệt hiện nay, câu hỏi đặt ra là: “Khác biệt hay là chết”. Chúng tôi đã phải chọn ngã rẽ mới để đưa hạt điều Bình Phước ra thị trường lớn. Nếu chúng ta cứ mãi “hớt ngọn” như hiện nay, thì sẽ mãi chỉ là cái bóng trên thị trường điều thế giới. Vì vậy, phải xây dựng giá trị thương hiệu theo cách khác, bằng chính sản phẩm hạt điều nguyên liệu ở Bình Phước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 152.000ha điều, sản lượng 170.000 tấn/năm. Tuy nhiên lâu nay, các cơ sở chế biến điều thờ ơ với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, dẫn đến sản lượng điều canh tác trên địa bàn rất thấp, chỉ đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu chế biến. Nay đến lúc bị ép cả hai đầu, các doanh nghiệp mới quan tâm đến nguyên liệu nội địa...

Nguồn: TBKTVN