Quay lại

Kiên cường vượt qua hành trình khắc nghiệt

Cận Tết, bà Vũ Thị Hường, nông dân Hợp tác xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, tất bật để thu hoạch những luống cà rốt cuối cùng. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ vào giống rau củ đặc sản này, gia đình bà Hường cũng như hàng trăm hộ nông dân khác tại xã Đức Chính đã có đời sống khấm khá, no đủ.

Với mức lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/sào cà rốt xuất khẩu, bà Hương luôn vững tâm trên đồng đất của mình. Nhiều năm nay, giống cà rốt sạch, chất lượng cao của nhà bà thường được thương lái bao tiêu xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản...

YÊN TÂM VỚI TRỤ ĐỠ NÔNG NGHIỆP

Ở quy mô rộng hơn, tỉnh Hải Dương cũng xác định, cà rốt chính là một trong những loại cây trồng chủ lực. Vụ Đông năm 2023 - 2024, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 1.200 hecta canh tác cà rốt, sản lượng ước đạt 70.000 tấn. Tiềm năng phát triển xuất khẩu của cà rốt của Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung còn rất lớn khi nhiều thị trường nước ngoài có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản hữu cơ, nông sản sạch như: nước ép rau củ, rau củ sấy, mứt, kẹo, rau củ…

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, từ nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã rất quan tâm tới nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Những sản phẩm như cà rốt, vải thiều chính là động lực tăng trưởng, trụ cột vững chắc và ổn định của kinh tế địa phương.

Trong bối cảnh hàng loạt những ngành nghề khác gặp khó khăn, thách thức, bị cắt giảm đơn hàng, nhưng nhìn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 khiến nhiều người sẽ cảm thấy tự hào. Cả nước đạt doanh thu kỷ lục 5,69 tỷ USD nhờ xuất khẩu rau, quả, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là năm 2024 sẽ đạt 4,5 tỷ USD và đến năm 2025 là 5 tỷ USD.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu rau quả, những số liệu từ việc đăng ký mới của doanh nghiệp cũng là một điểm sáng rất lớn cần phải nhắc tới trong năm 2023 – một năm đặc biệt khó khăn.

Số liệu do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố vào cuối năm 2023 cho thấy, năm 2023 cả nước có 159.294 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm đạt mức kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp, kết quả này cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 cũng đạt 58.412 doanh nghiệp, đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mốc trên 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua. Đây cũng là năm thứ hai số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường vượt qua mốc 200.000 (năm 2022, con số này là 208.368 doanh nghiệp). Với hơn 200.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2023 đã minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

BỨC TRANH KINH TẾ SÁNG TRỞ LẠI

Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóngxoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong đó, tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các quy hoạch; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin để điều hành theo hướng đến tận cơ sở; thành lập 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương; Tổ công tác của Chính phủ để giải quyết vấn đề bất động sản.

Đặc biệt, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để xử lý kịp thời các vấn đề quan trọng, cấp bách; tập trung chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề mới phát sinh. Đồng thời quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 5/1/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD (nhiều nhất từ trước đến nay), góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2023 chứng kiến việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông. Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án ngành Giao thông; đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900 km. Đồng thời, khởi công ba cao tốc trục Đông - Tây, hai đường vành đai, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Phát triển mạnh hạ tầng xanh, hạ tầng số hiện đại, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn.

Hướng tới năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với tinh thần "năm quyết tâm": (i) Tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; (ii) thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; (iii) bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; (iv) tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; (v) nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các đồng chí để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và cùng nhau tháo gỡ vướng mắc phát sinh, vượt qua khó khăn, thách thức; cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Nguồn: TBKTVN