Quay lại

Chính sách kích cầu: Triển khai gấp nhưng không lạm dụng

Chia sẻ tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức tuần qua, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế Việt Nam đang giảm dần sau các thời kỳ.

Còn tăng trưởng trong ngắn hạn đang có xu hướng biến động hơn, đặc biệt hiện nay do vừa chịu tác động từ cú sốc bên ngoài, vừa do chính sách quản lý tổng cầu không khéo.

TỔNG CẦU SUY YẾU
“Khi chính sách quản lý tổng cầu không ổn định, lúc phi nhanh, lúc phanh gấp khiến nền kinh tế dao động rất mạnh, ngoại trừ những vấn đề bên ngoài như đại dịch Covid-19”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Đánh giá tổng quan về tốc độ tăng trưởng các cấu phần trong tổng cầu nửa đầu năm, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng ba khu vực cầu trong nước dường như luôn sẵn sàng nhưng chưa phát huy được tác dụng. Bởi ngân hàng bốn lần giảm lãi suất, tích cực hỗ trợ nguồn vốn để dành cho doanh nghiệp, có lẽ vốn lúc này không thiếu, thậm chí dư thừa, doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư nhưng lại không đầu tư được.

Riêng cầu liên quan đến xuất nhập khẩu và cán cân thương mại nếu bị suy giảm sẽ kéo theo cả ba khu vực cầu trong nước bị đình trệ. Khi ba cầu này suy giảm, rõ ràng cần nhìn thẳng vấn đề là việc tái cấu trúc của nền kinh tế có lẽ đang bị lệ thuộc quá lớn vào các yếu tố bên ngoài.

GS.TS. Hoàng Văn Cường.

GS.TS. Hoàng Văn Cường.

“Xu hướng tái cấu trúc tổng cầu là cần thiết nhưng tái cấu trúc nền kinh tế vẫn cần đặt vấn đề lại, bởi dù chúng ta đã nói cách đây hai thập kỷ nhưng đến thời điểm này có lẽ chưa đạt được các mục tiêu đề ra.

Ba khu vực cầu trong nước dường như luôn sẵn sàng nhưng chưa phát huy được tác dụng. Bởi ngân hàng bốn lần giảm lãi suất, tích cực hỗ trợ nguồn vốn để dành cho doanh nghiệp, có lẽ vốn lúc này không thiếu, thậm chí dư thừa, doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư nhưng lại không đầu tư được.”.

Phân tích kỹ hơn về động lực từ phía cầu, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng cả ba động lực đều suy yếu.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ tăng tốt trong quý 1 nhưng chậm lại trong quý 2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 13,9% nhưng 6 tháng chỉ còn 10,9%.

Như vậy, quý 1 cho thấy tiêu dùng tăng rất mạnh chủ yếu so với nền thấp của năm ngoái, còn quý 2 không còn tăng mạnh như quý 1 nữa. Tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chậm lại do lãi suất cao, thu nhập và tài sản giảm.

Bên cạnh đó, đầu tư nhà nước tăng khá nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch do thiếu động lực, vướng mắc pháp lý, giá nguyên vật liệu cao, khiến các nhà đầu tư không mặn mà trong việc tham gia vào các dự án đầu tư công.

Đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng đối với kênh tín dụng, khó tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt niềm tin của giới doanh nghiệp giảm sút, do vậy không mặn mà trong việc đầu tư giai đoạn hiện nay.

Đầu tư nước ngoài tương đối ổn định. 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù vốn đăng ký vẫn giảm nhưng mức giảm đã thấp hơn so với các tháng trước và đặc biệt là 5 tháng (7,3%). Tuy nhiên, tổng vốn thực hiện lại tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,02 tỷ USD.

Thế nhưng, “dòng vốn đầu tư nước ngoài không thể hỗ trợ cho nền kinh tế trong điều kiện kinh tế khó khăn, bởi vì khu vực này thường đầu tư hướng ra xuất khẩu. Với điều kiện xuất khẩu hiện nay, FDI cũng sẽ loanh quanh ở con số cố định”, ông Thế Anh nhìn nhận.

Đặc biệt, xuất nhập khẩu giảm mạnh hơn qua các quý. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa quý 1 giảm 10%, quý 2 giảm 14,2%. Nhập khẩu hàng hóa quý 1 giảm 13,6%, quý 2 giảm 22,3%. Xu hướng tiếp tục khó khăn với các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu và liên quan đến nhà ở. Chỉ có điểm sáng duy nhất là nhập khẩu giảm mạnh, do vậy Việt Nam duy trì được xuất siêu hàng hóa.

Chính sách kích cầu: Triển khai gấp nhưng không lạm dụng - Ảnh 1

Đặc biệt, “một trong những nguy cơ Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ suy giảm cầu tiêu dùng hàng hóa từ nước ngoài, mà còn có nguy cơ mất hẳn đơn hàng liên quan đến các quy định về sản xuất xanh, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường do doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với các điều kiện này rất kém”, chuyên gia từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân quan ngại.

Do vậy, tất cả các thành phần của tổng cầu đều đang có dấu hiệu suy yếu. “Có thể sử dụng một số biện pháp kích cầu, tuy nhiên, kích cầu có chọn lọc và cần kết hợp các chính sách để cải thiện tổng cung tiềm năng, tức các chính sách trọng cung. Bởi có thể nhìn thấy rõ ràng xu hướng tăng trưởng trung bình của nền kinh tế đang thấp dần qua các thập kỷ”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Nhìn sâu hơn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa đầu năm từ hệ lụy sự suy giảm tổng cầu nêu trên, các chuyên gia cho rằng quý 2 cải thiện hơn so với quý 1 nhưng còn xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước Covid-19. 

Đặc biệt, trong quý 2, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 2,5% so với trung bình 5 năm giai đoạn 2015-2019 đạt 8,5%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục suy giảm mạnh, đặc biệt những ngành liên quan tới công nghiệp chế biến, chế tạo hướng ra xuất khẩu sụt giảm rất mạnh so với những năm trước. Sang quý 2/2023, ngành công nghiệp có những chuyển biến tích cực hơn so với quý 1/2023, mặc dù tăng trưởng vẫn ở mức thấp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới…

Theo ghi nhận, tốc độ giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp nói chung và sản xuất chế biến, chế tạo nói riêng trong quý 2 lần lượt tăng khoảng 1,56% và 1,18%, tránh được tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, rất nhiều ngành nghề có chỉ số sản xuất công nghiệp âm.

KÍCH CẦU TRONG NGẮN HẠN, TRÁNH LẠM DỤNG
Trước sự suy yếu về tổng cầu nêu trên, PGS. TS. Phạm Thế Anh lưu ý hàng loạt nguyên tắc kích cầu, bởi nếu lạm dụng chính sách kích cầu sẽ khiến cho nền kinh tế bất ổn hơn và chuyển từ thái cực này qua thái cực khác.

Theo đó, thứ nhất, kịp thời. Độ trễ chính sách của các chính sách tài khóa, tiền tệ thường rất lớn và đặc biệt càng lớn ở Việt Nam. Chẳng hạn, chủ trương kích thích tiêu dùng như chính sách giảm thuế VAT mãi đầu tháng 7 mới thực thi, chậm trễ khi ban hành.

“Với chính sách tiền tệ, dồn dập hạ lãi suất chưa chắc kích thích được đầu tư ngay lập tức, bởi vì từ việc hạ lãi suất sang kích thích đầu tư của doanh nghiệp còn khoảng cách rất xa”, TS. Thế Anh nhấn mạnh.

Thứ hai, tính tạm thời. Các chính sách chỉ thực hiện tạm thời trong thời gian ngắn để kích thích được phản ứng của doanh nghiệp, người dân do nguồn lực, dư địa chính sách hạn chế.

Chẳng hạn, muốn kích thích đầu tư trong một lĩnh vực nào, cần đưa ra những ưu đãi trong một thời gian ngắn, để những doanh nghiệp nào trước đây có kế hoạch đầu tư, khi chính sách ban hành có thể tranh thủ thực hiện ngay để hưởng ưu đãi.

Bên cạnh đó, “tránh các bất ổn như lạm phát, tỷ giá, bong bóng giá tài sản… Cần ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng vừa cải thiện được tổng cung tiềm năng, cải thiện năng suất trong thời hạn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thứ ba, phải đúng đối tượng. Ưu đãi hướng vào những đối tượng có nhu cầu chi tiêu cao, tức có xu hướng tiêu dùng biên cao và chi tiêu phải hướng vào hàng hóa nội địa, không kích thích hàng hóa ngoại nhập, kích cầu hàng xóm.

Chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bày tỏ sự không đồng tình với chính sách miễn giảm lệ phí trước bạ ô tô, bởi chính sách này chủ yếu phục vụ mục tiêu thu thuế, bởi giá trị đóng góp của Việt Nam trong quá trình sản xuất ô tô rất thấp...

Nguồn: TBKTVN