Quay lại

Tọa đàm giữa lãnh đạo Thành phố và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham)

Chiều ngày 25/4/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm giữa lãnh đạo Thành phố và Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam năm 2023.

Tọa đàm nhằm lắng nghe và trao đổi các ý kiến góp ý của doanh nghiệp là thành viên của AmCham về 12 lĩnh vực: thị trường vốn và dịch vụ tài chính, sức khỏe và phúc lợi, thực phẩm và đồ uống, giáo dục và đào tạo, kinh tế số - kỹ thuật số, sản xuất, đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuỗi cung ứng và hậu cần, năng lượng, thuế và hải quan, môi trường, xã hội và quản trị và lĩnh vực nhân sự để Thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM; ông Gregory Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam; ông James Ollen, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam và hơn 30 doanh nghiệp là hội viên của AmCham Việt Nam; ngoài ra có lãnh đạo đại diện 19 sở, ban, ngành thành phố tham dự.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố trong năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, với mức đóng góp khoảng 16% GDP, thu ngân sách quốc gia hơn 26% và GRDP của Thành phố tăng hơn 9% so với cùng kỳ,... với những kết quả tích cực đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng, đó là động lực, là “cú hích” cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

“Trong thời gian qua, chúng tôi nhìn thấy được và đánh giá cao sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ. Mặt khác, trên cơ sở định hướng phát triển Thành phố, Thành phố đang thực hiện xây dựng “Đề án về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030”. Theo đó Tọa đàm sẽ là cầu nối trực tiếp để Thành phố lắng nghe góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ để hoàn thiện Đề án nêu trên. Đồng thời thông qua Tọa đàm cũng là dịp để Thành phố lắng nghe, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Mỹ, từ đó làm cơ sở để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư Mỹ tại Thành phố. Chúng tôi tin tưởng rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền Thành phố, những buổi tọa đàm như thế này sẽ là động lực để quý vị tiếp tục đổi mới, thích ứng và phát triển nhanh”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Ông Gregory Testerman, Chủ tịch AmCham bày tỏ lạc quan với triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam và tâm đắc với chủ đề tài chính bền vững. Theo ông, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), với nhiều quy định rất khắt khe. Trong khi đó, người vay vốn ở Việt Nam không phải lúc nào cũng chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt này. Do vậy, AmCham sẽ thúc đẩy để thu hẹp khoảng cách này, giúp người vay ở Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chí để dễ dàng vay vốn từ các tổ chức tài chính có tiêu chí ESG nghiêm ngặt.

Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đánh giá cao sự hỗ trợ của TP.HCM để các doanh nghiệp Mỹ phát triển mạnh và đóng góp lâu dài cho sự tăng trưởng của TP.HCM suốt thời gian qua. Bà khẳng định phái đoàn ngoại giao và doanh nghiệp Mỹ luôn đồng hành, nỗ lực hỗ trợ Việt Nam và TP.HCM vượt qua các thách thức ngắn hạn, nắm bắt cơ hội dài hạn để tạo ra lợi ích cho các bên.

Phần Tọa đàm đã dành thời gian lắng nghe 25 đại diện doanh nghiệp Mỹ phát biểu trực tiếp với 34 ý kiến liên quan đến 12 lĩnh vực chính.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết: “Chúng tôi sẽ có phản hồi tất cả các ý kiến này bằng văn bản, với những ý kiến góp ý cho sửa đổi luật, các văn bản pháp lý thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương thì Thành phố sẽ tổng hợp lại và có chính kiến của mình để trao đổi với Trung ương. Phần thực thi các văn bản này tại Thành phố thì chúng tôi sẽ có nghiên cứu để thực hiện một cách tốt nhất”.

Căn cứ thực tế các vấn đề doanh nghiệp đặt ra, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã đề nghị lãnh đạo các đơn vị là Ngân hàng Nhà nước TP.HCM; Sở Công Thương; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời trực tiếp ý kiến của các doanh nghiệp Mỹ ngay tại Tọa đàm.

Tiếp đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu giải thích thêm một số vấn đề cụ thể mà các doanh nghiệp đã đề cập. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, ông ghi nhận những đóng góp xây dựng quý báu cho dự thảo “Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Thành phố đang triển khai lấy ý kiến góp ý, tham vấn cho Đề án từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn Thành phố để nhanh chóng triển khai Đề án với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một Thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Sau buổi Tọa đàm, Thành phố sẽ có chỉ đạo cho từng sở, ngành, cơ quan chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đi vào trọng tâm, trọng điểm các vấn đề với thời gian xử lý ngắn nhất, hiệu quả xử lý cao nhất. Thành phố sẽ cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; phát huy hết nội lực để hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển, vượt qua khó khăn. Giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) là đầu mối tiếp nhận các vướng mắc của doanh nghiệp và chủ trì, phối hợp với các đơn vị sở ngành có liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

“Chúng tôi mong rằng quý vị sẽ tiếp tục tin tưởng và chọn lựa Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tư hấp dẫn, cũng như sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Thành phố và mang lại lợi ích cho cả hai bên”, Chủ tịch Phan Văn Mãi kết luận.

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC