Quay lại

Trung Quốc mở cửa sẽ “cứu” nền kinh tế toàn cầu năm 2023?

Sau gần 3 năm theo đuổi chiến lược Zero Covid, Trung Quốc vừa bất ngờ mở cửa trở lại trong vài tuần qua. Chỉ hơn một tháng trước, các hoạt động tại Bắc Kinh hầu như tê liệt khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng tại nhiều khu vực của thành phố. Nhưng giờ đây, mọi thứ đều được mở toang khi đường phố, các văn phòng và trung tâm thương mại đều đầy ắp người trở lại, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Trên khắp Trung Quốc giờ đây ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh, nhưng hầu hết trường hợp đều có triệu chứng nhẹ. Số ca nhiễm mới được dự báo sẽ sớm giảm xuống khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Bắc Kinh được cho là đã đạt đỉnh dịch, còn một số thành phố khác sẽ đạt trạng thái tương tự trong tháng này.

GIẢI TỎA NỖI LO SUY THOÁI KINH TẾ TOÀN CẦU
Theo ông Wang Huiyao - người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, việc Trung Quốc gỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch đã thổi sức sống vào nền kinh tế nước này khi người dân trở lại cuộc sống và công việc bình thường. Tiến trình mở cửa được đẩy nhanh của Bắc Kinh đã khiến Goldman Sachs và Morgan Stanley nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc năm nay lên hơn 5%.

Triển vọng tích cực càng được củng cố khi Bắc Kinh chuyển sang chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang tính thực dụng hơn - như tín hiệu được phát đi từ Hội nghị Kinh tế Trung ương gần đây. Chính sách này bao gồm hỗ trợ cho khu vực tư nhân và tiêu dùng nội địa, đồng thời có lập trường thông thoáng hơn với lĩnh vực bất động sản và các công ty công nghệ lớn - hai động lực tăng trưởng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan quản lý 2 năm qua.

"Việc Trung Quốc mở cửa giải tỏa nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển đều đang tăng trưởng chậm lại do tăng lãi suất mạnh tay thời gian qua và chi phí năng lượng cao. Trung Quốc đến nay vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông Wang nhận định.

Lợi ích rõ ràng nhất có thể thấy là việc chấm dứt các hạn chế sẽ dần giải quyết tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, từ đó hạ nhiệt lạm phát, dù việc bất ngờ mở cửa gây ra những xáo trộn ngắn hạn do thiếu lao động. Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng thời gian qua đã gây ra sự chậm trễ kéo dài trong việc sản xuất và giao nhiều sản phẩm từ ô tô cho tới iPhone.  

Lợi ích thứ hai đến từ việc phục hồi hoạt động đi và đến từ Trung Quốc. Không giống như dòng hàng hóa và dòng vốn - hai thứ vẫn duy trì mạnh mẽ trong thời kỳ Zero Covid, các chuyến đi tới và ra khỏi Trung Quốc đã giảm tới 79% đối với công dân Trung Quốc đại lục và 95% đối với người nước ngoài trong năm 2021, so với năm năm 2019.

"Việc đi lại xuyên biên giới xuyên suốt là một động lực lớn để thúc đẩy hoạt động và đầu tư của các công ty đa quốc gia. Các giám đốc điều hành sẽ tiếp tục qua lại giữa các trụ sở chính và văn phòng ở Trung Quốc, tạo thuận lợi cho các giao dịch và dự án mới. Tương tự, các doanh nhân Trung Quốc cũng sẽ thực hiện các chuyến đi dài ngày để tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài", ông Wang cho biết.

Điều kiện kinh doanh được cải thiện cũng sẽ giúp các công ty có trụ sở ở Trung Quốc thu hút và giữ chân nhân tài nước ngoài. Trong tháng 1/2022, ước tính có khoảng 100.000 người nước ngoài đang chờ để trở lại Thượng Hải.

Du khách đến Thẩm Quyến trong ngày đầu tiên Trung Quốc đại lục mở cửa với khách quốc tế ngày 8/1 -Ảnh: SCMP

Du khách đến Thẩm Quyến trong ngày đầu tiên Trung Quốc đại lục mở cửa với khách quốc tế ngày 8/1 -Ảnh: SCMP

Một lợi ích nữa và có lẽ là tác động tức thời của việc mở cửa là sự hồi sinh của hoạt động tiêu dùng của người Trung Quốc. Niềm tin của người tiêu dùng nước này chạm mức thấp kỷ lục trong năm 2022, nhưng đã tăng lên đáng kể từ khi Chính phủ bắt đầu mở cửa. Theo khảo sát mới nhất của Ipsos, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc hiện ở mức cao toàn cầu.

Theo ông Wang, năm 2023 được dự báo sẽ có sự phục hồi ngoạn mục trong chi tiêu tiêu dùng nội địa Trung Quốc khi tầng lớp trung lưu giải tỏa sức mua bị dồn nén thời gian qua.

Dù không được hỗ trợ tiền như các nước phương Tây, nhưng người dân Trung Quốc đã tích lũy được nhiều tiền trong đại dịch. Thu nhập khả dụng trên danh nghĩa bình quân đầu ngườicủa người dân nước này đã tăng 5,3% trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, tính tới tháng 11/2022, tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc đại lục đã tăng 16,7% lên mức kỷ lục 17 nghìn tỷ USD.

Bên cạnh việc tăng chi tiêu cho hàng hóa nhập khẩu, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đồng nghĩa ngành du lịch toàn cầu - đóng góp hơn 10% GDP toàn thế giới - được hưởng lợi lớn.

CÚ HUÝCH CHO NGÀNH DU LỊCH THẾ GIỚI
Trước đại dịch, du khách Trung Quốc chiếm gần 20% chi tiêu du lịch quốc tế, tương đương 255 tỷ USD năm 2019. Sự thiếu vắng du khách nước này đã tạo ra một lỗ hổng lớn với ngành du lịch nhiều quốc gia. Từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, đã xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy nhóm khách đông đảo này sắp trở lại.

Các tìm kiếm về địa điểm du lịch ở nước ngoài trên nền tảng du lịch Ctrip của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong vòng 30 phút cơ quan chức năng nước này thông báo nới lỏng quy định cách ly sau khi nhập cảnh. Những điểm đến được hưởng lợi hàng đầu phải kể đến Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Việt Nam.

Một lợi ích lớn nữa với nền kinh tế toàn cầu khi Trung Quốc mở cửa mang tính dài hạn hơn, đó là giải tỏa phần nào căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Thời gian qua, căng thẳng Mỹ - Trung đã phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu và Zero Covid càng làm trầm trọng thêm tình trạng này khi cản trở hoạt động trao đổi trực tiếp song phương - điều đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp khôi phục các cuộc gặp gỡ và trao đổi trực tiếp của các quan chức, nhà ngoại giao, học giả, doanh nhân và học sinh sinh viên… hai nước.

Một khảo sát gần đây cho thấy người Trung Quốc từng học tập hay du lịch Mỹ có thái độ lạc quan hơn về Mỹ.

“Sau nhiều năm trì trệ vì đóng cửa và áp đặt các biện pháp hạn chế khác, nhiều người giờ đây đang chỉ ra những rủi ro của việc mở cửa trở lại như thiếu lao động tạm thời, : áp lực lạm phát tăng. Đây là những lo lắng hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tại Trung Quốc tăng lên khi toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, điều đó sẽ không che phủ bức tranh tổng thể. Con đường mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể không bằng phẳng, nhưng việc này sẽ tạo ra động lực thúc đẩy lớn cho các thị trường và các ngành công nghiệp toàn thế giới trong năm 2023”, ông Wang nhận xét.

Nguồn: TBKTVN