Quay lại

Nỗi ám ảnh lạm phát vẫn đeo bám người dân Mỹ

Theo CNBC, chị Kyle Connolly, một người mẹ đơn thân, vừa mới xin được việc sau khi bị một công ty xây dựng sa thải vào tháng 11/2023. Dù đã thoát cảnh thất nghiệp nhưng gương mặt của người phụ nữ 41 tuổi vẫn toát lên vẻ bất an. Nguyên nhân là vì những tờ hóa đơn mà cô phải thanh toán ngày càng trở nên đắt đỏ, từ những món hàng tạp hóa cho đến tiền thuê căn hộ.

Người tiêu dùng đang phải "cân đo đong đếm" hơn trong từng món hàng. Ảnh: Pexels

 

Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, chị Connolly đã cắt giảm những thói quen thông thường như ăn uống ngoài hàng hoặc đi xem phim. Mùa giáng sinh năm nay của gia đình chị cũng vì vậy mà trở nên đơn giản và bình dị hơn so với mọi khi.

Sinh sống tại vùng ngoại ô Florida đã nhiều năm, chị Connolly hiếm khi thấy khu vực này trở nên tĩnh lặng và vắng tiếng còi xe như hiện tại. Chị cho biết nhiều cư dân tại đây đã phải bán xe hơi hoặc hạn chế sử dụng để cắt giảm tiền đổ xăng. Cảm thấy như vậy là chưa đủ, nhiều ông bố bà mẹ còn tham gia các hội nhóm Facebook để thảo luận về cách tiết kiệm tiền tốt hơn hoặc kiếm thêm thu nhập.

Một người phụ nữ khác cũng đang đau đầu về bài toán chi tiêu là chị Marissa Lyda. Gia đình chị mới chuyển nhà đến thành phố Phoenix, bang Arizona, vào đầu năm nay. Dù mức thuế thu nhập cá nhân của bang Arizona khá dễ chịu nhưng việc lãi vay mua nhà tăng cao khiến cho gia đình cô đang phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”.

Không còn những ly Starbucks và những ngày mua sắm thả ga tại Kroger, chị Lyda hiện đang tìm đến các siêu thị có giá cả bình dân hơn. Thậm chí, bà nội trợ này còn phải chọn các công thức nấu ăn với ít nguyên liệu để tiết kiệm chi phí.

Câu chuyện của hai người phụ nữ trên là hình ảnh điển hình của nhiều người dân Mỹ hiện tại. Dù các số liệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi nhưng trong tâm trí của người dân, “mây đen” vẫn bao trùm trên xứ cờ hoa.

Góc nhìn của giới chuyên gia

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ từ năm 2019 đến năm 2023. Ảnh: CNBC

 

Hiện mức lạm phát đang dần giảm về mức mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mong muốn nhưng vẫn bảo đảm không gây ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, theo khảo sát từ Đại học Michigan, tâm lý của người tiêu dùng trong tháng 12, dù đã tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều người dân Mỹ dần phải chấp nhận sự thật rằng thời kỳ lạm phát và  lãi suất thấp như những năm 2010 đã đi qua. 

Theo bà Joanne Hsu, người chỉ đạo khảo sát, các cuộc họp về việc nâng trần nợ công và những thông tin bên lề cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đã làm tăng thêm cảm giác bất ổn về kinh tế đối với một số người.

Không chỉ vậy, bà Karen Dynan, giáo sư tại Đại học Harvard, cho rằng việc lạm phát tăng “phi mã” trong quá khứ đã khiến giá cả hàng hóa nhanh chóng tăng vọt. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí của nhiều người. Kể cả khi chỉ số giá tiêu dùng đã “hạ nhiệt”, trong họ vẫn tồn tại cảm giác lo lắng, bất an.  

Ngoài ra, bà Dynan nhận định rằng nhiều người đã có cái nhìn quá tiêu cực về vấn đề lạm phát. Trong thực tế, Fed luôn giữ lạm phát ở mức 2%/năm. Trong trường hợp giá cả hàng hóa đi xuống (giảm phát), đây mới thực sự là mối lo của nền kinh tế.

Các chuyên gia cho biết những người tiêu dùng cảm thấy lạc quan về nền kinh tế thường tập trung ở nhóm đối tượng có mức thu nhập cao. Theo bà Camelia Kuhnen, giáo sư tài chính tại Đại học North Carolina, những người Mỹ đã sở hữu nhà tỏ ra bình thản trước các đợt tăng giá của hàng hóa. 

Ngoài ra, những người có tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ cũng được hưởng “trái ngọt”. Trong những ngày cuối năm, ba chỉ số chứng khoán là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều có những chuyển biến tích cực và lập đỉnh mới trong năm 2023. Ngược lại, những người lao động thông thường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi họ không có các khoản đầu tư và nguồn thu nhập thụ động.

Nguồn: Báo Đầu tư