Quay lại

Ngành hàng xa xỉ tạm biệt thời huy hoàng

Ông Todd Vogt, một CEO công ty khai thác mỏ người Canada, đã ra về tay không sau khi ghé qua các cửa hàng Louis Vuitton và Rolex ở khu mua sắm West End cao cấp của London trong tuần này, điều chưa từng xảy ra trước đây. Ông nói rằng, nền kinh tế trì trệ hậu đại dịch chắc chắn đã tác động đến chi tiêu đối với hàng hóa xa xỉ của ông và vợ.

“Vợ tôi thích túi xách của các hãng như Louis Vuitton còn tôi thì thích đồng hồ”, ông nói, và bồi thêm: “Nhưng vật giá đã tăng và với tình hình cũng như triển vọng kinh tế dài hạn trước mắt, gia đình chúng tôi sẽ ít chi tiêu xa xỉ hơn.”

Cặp đôi không đơn độc; nhân viên bán hàng cũng cho rằng người mua sắm đã trở nên thận trọng hơn sau ba năm bùng nổ chi tiêu cho hàng xa xỉ trên toàn cầu.

Tăng trưởng chững bước

Trong thời kỳ đại dịch, ngành công nghiệp xa xỉ đã phát triển với tốc độ kỷ lục khi người tiêu dùng thỏa mãn bản thân, sau thời gian dài ở yên trong nhà, bằng việc “điên cuồng" mua sắm. Đặc biệt là ở Trung Quốc, giới nhà giàu đổ xô mua túi hiệu và rượu sâm panh Dom Pérignon.

Giờ đây, có những tín hiệu rõ ràng rằng người mua sắm trên khắp thế giới đã hạn chế chi tiêu xa xỉ. 

Nhất là khi mới đây công ty dẫn đầu ngành LVMH, do tỉ phú người Pháp Bernard Arnault sở hữu, báo cáo mức tăng trưởng doanh số 9% trong quý gần nhất, thấp hơn kỳ vọng và sụt giảm mạnh so với mức tăng 17% đã được ghi nhận vào quý trước.

Cổ phiếu xa xỉ bị bán tháo khi nhà đầu tư nhận thấy xu hướng tăng trưởng bùng nổ đã bắt đầu chững bước.

Cổ phiếu xa xỉ bị bán tháo khi nhà đầu tư nhận thấy tăng trưởng bùng nổ đã bắt đầu chững bước.

Thực chất dấu hiệu nền kinh tế Mỹ suy yếu đã có từ đầu năm, nhưng hiện thị trường châu Âu cũng như châu Á (trừ Nhật Bản) đã bắt đầu chững lại theo.

Tăng trưởng doanh số bán hàng tại Mỹ, thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp xa xỉ, tăng 2% sau khi chững lại trong quý II do những khách hàng trung thành cắt giảm các thú vui như rượu cognac. Châu Âu cũng đang theo sau, với tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại ở mức 7% so với 19% do người mua thắt lưng buộc bụng.

Theo công ty tư vấn Bain, dẫn đầu bởi các tập đoàn niêm yết lớn như LVMH và Hermès, hàng xa xỉ đã tăng trưởng trung bình hơn 20% mỗi năm kể từ năm 2020, theo công ty tư vấn Bain, trong khi mức thấp kỷ lục ở khoảng 6%.

Theo bà Joëlle de Montgolfier, Phó Chủ tịch điều hành bán lẻ và hàng xa xỉ tại Bain, kịch bản lạc quan trong năm nay sẽ là 8-10%, hoặc 5% trong trường hợp bi quan hơn. 

Cổ phiếu hàng xa xỉ đã bị bán tháo trong những tháng gần đây từ mức cao kỷ lục, do các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng của lĩnh vực này; chỉ số Stoxx Europe Luxury 10 đã mất gần 1/5 kể từ mức đỉnh tháng 4. 

Sức mua bị xói mòn

 

Theo Jean Danjou, nhà phân tích hàng xa xỉ tại Oddo, các danh mục “xa xỉ cứng đồ trang sức và đồng hồ, không tăng nhanh bằng các danh mục xa xỉ mềm”, bao gồm quần áo, mỹ phẩm và túi xách, lưu ý rằng doanh số bán đồ trang sức có xu hướng đặc biệt tập trung vào Trung Quốc, nơi ngày càng có nhiều sự không chắc chắn về hướng đi của nền kinh tế.

Tại LVMH, rượu vang và rượu mạnh đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh số bán hàng tự nhiên giảm 14% trong quý III, do doanh số bán rượu sâm banh giảm và nhu cầu về rượu cognac giảm, đặc biệt là ở Mỹ.

Các trung tâm thương mại cũng bắt đầu nhận thấy mô hình mua sắm đang dần thay đổi, họ dần điều chỉnh lượng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu suy yếu. 

“Bất cứ món hàng nào được yêu thích chỉ vì logo thì hiện đều không bán được”, một người chủ tại một trung tâm mua sắm xa xỉ hàng đầu Bắc Mỹ cho biết. “Một số thương hiệu có số lượng giao dịch giảm 50-60% so với năm ngoái. Tôi đã hoàn toàn thoái vốn khỏi thương hiệu thiết kế.” 

Người này cho biết túi xách tiếp tục được bán nhưng khách hàng đang tập trung vào những nhãn hiệu "dễ thở" hơn. Các nhà thiết kế cổ điển bao gồm Oscar de la Renta và các nhãn hiệu “quiet luxury” như The Row vẫn đang hoạt động tốt.

Ở châu Âu và Mỹ, sức chi của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng nhanh hơn tiền lương. Các nhà nghiên cứu tại ngân hàng UniCredit của Ý gần đây đã phát hiện ra rằng giá cả tăng cao đã “xói mòn hoàn toàn” khoản tiết kiệm mà các hộ gia đình châu Âu đã tích lũy được trong thời gian phong tỏa vì đại dịch.

Chi tiêu bán lẻ tại EU đã giảm 2% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, sau khi điều chỉnh theo lạm phát và triển vọng thời gian còn lại của năm nay khá ảm đạm. 

Nguồn: Nhipcaudautu