Quay lại

Lạm phát cao đặt ra nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu

Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế thế giới” công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, giảm tốc đáng kể so với mức tăng 3,4% đạt được trong năm ngoái nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với năm 2020, khi phong tỏa chống Covid -19 khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới giảm 3,4%.

Tại chuỗi sự kiện mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington DC vào trung tuần tháng 4, giới chức tài chính các nước nhìn chung lạc quan về sự vững vàng về nền kinh tế nước mình nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định: “Chắc chắn là tình hình đã tốt và sáng hơn so với lần gặp trước của chúng tôi hồi tháng 10”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng nói triển vọng kinh tế toàn cầu có khó khăn hơn một chút nhưng “châu Âu đang làm tốt”.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính của Morocco, bà Nadia Fettah, cho biết hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế nước này đã hồi phục về gần mức trước đại dịch và “chúng tôi chắc chắn đang có một nền kinh tế vững chãi”.

HAI RỦI RO LỚN: LẠM PHÁT VÀ BẤT ỔN NGÂN HÀNG
Mặc tất cả những lạc quan này, giới chức IMF và WB cảnh báo về một vấn đề có thể khiến nền kinh tế thế giới chệch hướng trong những tháng tới. Đó là lạm phát vẫn cao dai dẳng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, đặt ra khả năng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất.

Xu hướng tăng của lãi suất và tỷ giá đồng USD có thể làm trầm trọng thêm thách thức mà nhiều nền kinh tế đang phải đối mặt: chi phí nhập khẩu lương thực-thực phẩm tăng cao giữa lúc nợ nần chồng chất. Tỷ giá bạc xanh đã “hạ nhiệt” từ đầu năm đến nay, nhưng có thể tăng trở lại nếu Fed tăng lãi suất thêm nhiều hơn kỳ vọng và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Hàng hóa cơ bản giao dịch trên thị trường quốc tế và các khoản nợ nước ngoài thường được định giá bằng USD nên có độ nhạy cảm lớn với các động thái chính sách tiền tệ của Fed.

Lãi suất tăng cũng có thể làm trỗi dậy cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến 3 ngân hàng Mỹ liên tiếp sụp đổ hồi tháng 3 và “đế chế” nhà băng Credit Suisse của Thụy Sĩ được đối thủ đồng hương UBS mua lại.

Áp lực trong lĩnh vực ngân hàng đã dịu đi trong những tuần gần đây, nhưng vẫn khiến bức tranh kinh tế tổng thể trở nên tồi tệ hơn dưới góc nhìn của IMF. “Căng thẳng trong lĩnh vực tài chính có thể khuếch đại và sự lây lan có thể xảy ra, làm suy yếu nền kinh tế thực thông qua sự suy giảm nghiêm trọng các điều kiện tài chính và buộc các ngân hàng trung ương phải xem xét lại đường lối chính sách của họ. Nguy cơ hạ cánh cứng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phát triển, đã trở nên lớn hơn nhiều”, IMF nhận định.

Trong kịch bản chính của IMF, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, nhưng nếu căng thẳng tài chính gia tăng, tốc độ tăng trưởng có thể chỉ đạt 2,5%, trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm dưới 1%.

Cũng theo IMF, năng lực ngành ngân hàng Mỹ sẽ giảm 1% trong năm nay, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ thiệt hại 0,44 điểm phần trăm.  “Điều quan trọng nhất là theo dõi những rủi ro có thể đang lẩn khuất trong các ngân hàng và các định chế phi ngân hàng, hoặc trong những lĩnh vực như bất động sản thương mại”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva phát biểu.

LẠM PHÁT Ở CÁC NỀN KINH TẾ LỚN VÀ NGOẠI LỆ TRUNG QUỐC
Để chống lạm phát, Fed đã triển khai chiến dịch tăng lãi suất mạnh nhất trong 4 thập kỷ. Trong vòng hơn một năm qua, Fed đã có 9 đợt nâng lãi suất với tổng mức tăng 4,5 điểm phần trăm. Sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng trước, giới chức Fed bắt đầu tính đến khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái trong năm nay. Dù vậy, Fed vẫn phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất trong tháng 5 vì lạm phát còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed và thị trường lao động vẫn thắt chặt.

Trong nỗ lực điều chỉnh để thích ứng với môi trường lãi suất tăng, nhiều định chế tài chính ở Mỹ đã giảm bớt hoạt động cho vay. Điều này đặt ra lo ngại rằng các doanh nghiệp nhỏ có thể khó tiếp cận các khoản vay ngắn hạn.

Tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, tốc độ tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ, cộng thêm sự giảm tốc của kinh tế Tây Âu, có thể đặt ra thách thức cho những doanh nghiệp đã vay nợ nhiều trong thời gian lãi suất thấp. Gánh nặng nợ nần này có thể trở thành một “quả bom hẹn giờ’”, chuyên gia kinh tế trưởng Beata Javorcik của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) nhận định.

Tại khu vực Eurozone, lạm phát lõi tháng 3 lập kỷ lục ở mức 5,7% dù lạm phát toàn phần giảm mạnh còn 6,9%. Tình trạng này khiến giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xác định phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ...

NGUỒN: TBKTVN