Quay lại

Kinh tế Trung Quốc liệu có khởi sắc trong quý 4?

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có một khoảng thời ngắn phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt. Từ tháng 4 trở đi, đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đuối dần. Trong những tháng mùa hè, cuộc khủng hoảng bất động sản chuyển xấu dù nhiều thành phố lớn của nước này nới lỏng quy định đối với việc mua nhà.

TÌNH HÌNH BẤT ĐỘNG SẢN CÒN ẢM ĐẠM
“Dần dần, Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ nới lỏng đối với cả phía nguồn cung. Và có lẽ trong khoảng nửa năm nữa, thị trường bất động sản sẽ ổn định”, trưởng khoa Yao Yang của Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần này. Ông Yao cho rằng trước đây, Chính phủ Trung Quốc đã “mạnh tay quá mức” trong chiến dịch kiểm soát sự phát triển của ngành địa ốc.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thời điểm chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, nên cuộc khủng hoảng của ngành này đã gây áp lực lên tất cả mọi lĩnh vực khác, từ tiêu dùng cho tới ngân sách của các chính quyền địa phương.  Ông Yao dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép các địa phương vay nợ thêm để trả các khoản nợ dài hạn, và điều này sẽ giúp nền kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn vào giữa năm sau.

Năm 2020, Bắc Kinh mở chiến dịch nhằm giảm bớt mức độ phụ thuộc cao của doanh nghiệp bất động sản vào vay nợ, bằng cách áp hạn chế lên các hình thức vay nợ và huy động vốn. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng xấu đến tâm lý người mua trên thị trường bất động sản, dẫn tới gián đoạn một dòng tiền quan trọng đối với doanh nghiệp địa ốc, bởi căn hộ ở Trung Quốc thường được bán trước khi hoàn thiện. Dòng vốn và niềm tin giảm sút khiến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ, khiến người mua nhà càng lo lắng. Đến cuối năm 2022, nhiều công ty địa ốc lớn đã vỡ nợ.

Nhưng trong những tháng gần đây, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc bắt đầu phát đi những tín hiệu mới mềm mỏng hơn.

“Sự sụt giảm của ngành bất động sản là hệ quả của các biện pháp có chủ đích của Chính phủ Trung Quốc nhằm xử lý tình trạng bong bóng trên thị trường”, ông Yao nói. Ông nhấn mạnh rằng diện tích nhà bán được trong năm nay có thể thấp hơn trên 500 triệu mét vuông so với mức doanh số trước khi chiến dịch kiểm soát bắt đầu. Mức doanh số này cũng thấp hơn 200 triệu mét vuông so với mức mà ngành bất động sản cho là chấp nhận được.

Nhà kinh tế trưởng Dan Wang của công ty Hang Seng China bày tỏ kỳ vọng rằng sự suy giảm của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục và giá nhà sẽ còn giảm trong những năm tới, nhưng sẽ không giảm mạnh. Phân tích của bà Wang phát hiện thấy một mức giá bán tối thiểu không chính thức đối với nhà mới xây ở Trung Quốc. “Một số doanh nghiệp địa ốc biết mức giá sàn là bao nhiêu, họ không thể đưa ra mức chiết khấu 15%”, bà Wang nói.

“Chính phủ Trung Quốc muốn chứng kiến sự đi xuống một cách có kiểm soát của thị trường bất động sản hơn là một sự sụt giảm đột ngột”, bà Wang phát biểu, nhấn mạnh những hệ quả xã hội nếu giá nhà giảm chóng mặt, bởi một tỷ lệ lớn tài sản của các hộ gia đình ở Trung Quốc nằm ở bất động sản.

Tuần này, mối lo về ngành bất động sản Trung Quốc có phần gia tăng, khi “ông lớn” Evergrande đối mặt với nhiều vấn đề hơn về thanh khoản, cộng thêm thông tin nói rằng Chủ tịch, nhà sáng lập Hứa Gia Ấn của Evergrande đang bị cảnh sát giám sát.

“Nếu cuộc tái cơ cấu nợ của Evergrande có bước đột phá tích cực, thì điều đó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn. Nhưng việc đó cũng đồng nghĩa định giá lại toàn bộ trái phiếu bất động sản Trung Quốc. Tôi nghĩ đó sẽ là một hành trình rất dài”, nhà quản lý danh mục Clifford Lau của công ty William Blair nhận định.

KINH TẾ TRUNG QUỐC CÓ THỂ TĂNG TRƯỞNG BAO NHIÊU TRONG NĂM NAY?

Trong bối cảnh hiện nay, giới đầu tư trong nước và quốc tế đều bi quan về tình hình kinh tế Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát, nhất là giới chuyên gia quốc tế, cho biết họ khó hiểu về chính sách kinh tế của Trung Quốc. Doanh nghiệp quốc tế cũng không mấy lạc quan.

“Về niềm tin mà nói, hầu hết doanh nghiệp bây giờ không dám nói trước điều gì”, chuyên gia Yao, người cũng giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, phát biểu. “Sự suy giảm của niềm tin gắn liền với sự suy giảm của nền kinh tế. Khi nền kinh tế giảm tốc, chẳng ai dám lạc quan về kinh tế cả”.

Ông Yao từ lâu vẫn ủng hộ việc phát tiền trực tiếp cho người dân để kích thích tiêu dùng. Một số thành phố ở Trung Quốc đã làm như vậy, nhưng chính quyền trung ương nước này vẫn còn dè dặt, thay vào đó dựa vào các biện pháp như cắt giảm thuế, nhất là giảm thuế cho doanh nghiệp.

Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có một cuộc họp quan trọng sau vài tuần nữa, và giới quan sát dự báo các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng sẽ được đưa ra trong cuộc họp này.

“Một kế hoạch toàn diện, do Chính phủ trung ương đứng đầu, nhằm giải quyết vấn đề nợ nần của các địa phương, có thể sẽ được công bố tại cuộc họp. Sự kết hợp của các biện pháp này sẽ giúp nền kinh tế dần hồi phục từ quý 4/2023 trở đi”, nhà kinh tế trưởng Robin Xing của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo.

Nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của JLL không kỳ vọng Trung Quốc sẽ có thay đổi lớn về chính sách trong thời gian còn lại của năm nay, nhưng dự báo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục giảm lãi suất và tăng trưởng sẽ hồi phục một cách tự nhiên.

Nhìn trong dài hạn, ông Yao dự báo kinh tế Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng 5,5% mỗi năm nhờ lượng tiền tiết kiệm lớn và những bước tiến lớn của Trung Quốc về ô tô điện, năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến.

Gần đây, nhiều tổ chức đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023, nhưng giới chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng tăng trưởng cả năm sẽ đạt xấp xỉ mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đề ra. Hôm thứ Tư tuần này, ngân hàng Nomura nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay lên 4,8%, từ mức 4,6% đưa ra trước đó.

Nguồn: TBKTVN