Quay lại

Khủng hoảng chuỗi cung ứng ngành hàng không có thể kéo dài tới năm 2024

Airbus, hãng sản xuất máy bay của Pháp, đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang kìm hãm ngành hàng không vũ trụ toàn cầu có thể kéo dài đến năm sau, do việc giao máy bay mới bị chậm lại trong quý đầu tiên.

Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, cho biết vẫn còn thiếu hụt trong việc cung cấp linh kiện, thiết bị, chất bán dẫn, nhân công và thậm chí cả chỗ ngồi nhưng vẫn kiên định với kế hoạch giao khoảng 720 máy bay vào cuối năm nay.

Hôm 3/5, Giám đốc Điều hành Guillaume Faury, cho biết đây là tình trạng chung, đầy thách thức của ngành. Ông dự đoán, sự chậm trễ của chuỗi cung ứng sẽ kéo dài đến hết năm 2023 và có khả năng đến đầu năm sau.

 

Airbus, cùng với đối thủ Boeing của Mỹ và các nhà sản xuất hàng không vũ trụ khác, đã gặp rất nhiều khó khăn để tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi từ các hãng hàng không sau đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu đã tăng gần 70% vào năm 2022, khi các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế, thúc đẩy sự phục hồi du lịch.

Đồng thời, các biện pháp trừng phạt gắn liền với cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến Airbus và các hãng khác gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo các nguyên liệu thô quan trọng như titan và nhôm.

Giám đốc điều hành của các công ty cho thuê máy bay trong những ngày gần đây đã cảnh báo rằng việc giao hàng sẽ bị gián đoạn, mặc dù sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng đang đẩy giá thuê lên cao.

Ông Andy Cronin, Giám đốc Điều hành của công ty cho thuê Avolon có trụ sở tại Dublin, cho biết: “Các vấn đề về sản xuất, các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể sẽ trở thành hiện thực mà chúng ta sẽ phải đối mặt cho đến năm 2023, 2024”.

Hôm 3/5, đại diện Airbus cho biết sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng đang diễn ra đã cản trở việc giao máy bay phản lực trong quý đầu tiên. Công ty cho biết đã giao 127 máy bay trong 3 tháng đầu năm, bao gồm 106 chiếc thuộc dòng máy bay A320 bán chạy nhất, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà sản xuất cũng tái khẳng định kế hoạch tăng sản lượng A320 lên mức 65 chiếc hàng tháng vào cuối năm 2024. Tháng trước, Airbus đã công bố kế hoạch mở một dây chuyền lắp ráp mới tại Thiên Tân, Trung Quốc, để giúp Hãng đáp ứng kế hoạch sản xuất 75 chiếc máy bay phản lực trong năm 2026.

Lợi nhuận trước thuế và lãi vay của Công ty đã giảm xuống còn 773 triệu euro, từ 1,26 tỉ euro trong 3 tháng đầu năm 2022. Doanh thu là 11,8 tỉ euro so với 12 tỉ euro so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Nhipcaudautu