Quay lại

Dù đồng Yên mất giá, Nhật Bản vẫn là nơi đắt đỏ nhất ở châu Á đối với lao động ngoại quốc

Vị trí này được duy trì ngay cả khi đồng Yên Nhật đã giảm giá mạnh trong năm nay.

Cuộc khảo sát thường kỳ của công ty dữ liệu ECA International cho thấy gói tiền lương và các chế độ dành cho nhân viên là người nước ngoài được doanh nghiệp cử tới làm việc ở Nhật Bản đạt bình quân 370.183 USD trong năm 2022 nếu quy đổi theo tỷ giá hiện tại. Con số này thấp hơn 12% so với năm trước đó, nhờ đồng Yên Nhật đã mất giá 9% từ đầu năm.

Do Yên giảm giá, gói thù lao dành cho lao động nước ngoài ở Nhật Bản khi tính bằng đồng USD “đã giảm với tốc độ hai con số”, báo cáo nhấn mạnh. Nhưng mức giảm này chưa đủ để khiến Nhật Bản tuột khỏi vị trí nơi đắt đỏ nhất châu Á đối với lao động ngoại quốc được cử đi làm việc. Nếu tính trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản chỉ xếp sau Anh.

Tính đến các yếu tố gồm tiền lương và các chế độ như nhà ở, điện nước, thuế… nghiên cứu của ECA nhằm mục đích hỗ trợ các công ty “có một chuẩn mức để so sánh gói thù lao của họ với thị trường” - theo ECA. Tham gia cuộc khảo sát có hơn 340 công ty và hơn 10.000 lao động làm việc ở nước ngoài.

Báo cáo cho thấy khi tính bằng đồng tiền địa phương, gói thù lao của lao động nước ngoài được doanh nghiệp cử đi làm việc ở các nước châu Á đã giảm 7% trong năm 2021 so với năm 2022.

Duy nhất có 3 điểm đến là Lào, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông chứng kiến lao động nước ngoài nhận được gói thù lao giảm trong năm 2022 nếu tính bằng đồng nội tệ tại các nền kinh tế này. Việc tăng lương tính bằng tiền địa phương xuất phát từ nguyên nhân là lạm phát - theo ông Lee Quane, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của ECA International.

“Một số công ty có chính sách phụ cấp sinh hoạt phí để đảm bảo rằng nhân viên được cử đi làm việc ở nước ngoài bảo toàn được sức mua như khi làm việc trong nước”, ông Quane nói. “Trong năm 2022, một số quốc gia ở châu Á có tốc độ lạm phát khá cao, đòi hòi các công ty phải tăng phụ cấp này”.

Theo báo cáo của ECA, nhiều quốc gia  và vùng lãnh thổ ở châu Á đã chứng kiến sự gia tăng của sinh hoạt phí kéo theo gói thù lao tính bằng tiền địa phương của lao động ngoại quốc tăng lên trong năm 2022. Ở Singapore, mức tăng của gói thù lao là 4% trong năm 2022 so với năm 2021.

“Giá thuê nhà ở Singapore tăng mạnh, cả người địa phương và người ngoại quốc đều cảm nhận rõ. Điều này phản ánh trong mức tăng 9% của gói thù lao cho lao động ngoại quốc ở Singapore nếu tính bằng đồng USD”, ông Quane nói thêm.

Dưới đây là 5 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có chi phí đắt đỏ nhất đối với lao động ngoại quốc (trong ngoặc là mức thù lao của năm 2022 khi tính theo tỷ giá hiện tại giữa đồng USD và đồng nội tệ của quốc gia/vùng lãnh thổ đó):

1. Nhật Bản (370.183 USD)
2. Ấn Độ (354.028 USD)
3. Trung Quốc (313.011 USD)
4. Hồng Kông (278.020 USD)
5. Hàn Quốc (275.727 USD)

Với gói thù lao bình quân cho lao động ngoại quốc là 258.762 USD, Singapore nhảy 6 bậc lên vị trí thứ 16 toàn cầu và đứng thứ 7 ở khu vực châu Á.

Tính trên phạm vi toàn cầu, Anh vẫn là nơi đắt đỏ nhất đối với lao động ngoại quốc. Gói thù lao bình quân cho một nhân viên nước ngoài được cử tới làm việc ở Anh trong năm 2022 là 441.608 USD.

Dưới đây là 5 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có chi phí đắt đỏ nhất đối với lao động ngoại quốc (trong ngoặc là mức thù lao của năm 2022 khi tính theo tỷ giá hiện tại giữa đồng USD và đồng nội tệ của quốc gia/vùng lãnh thổ đó):

1. Anh (441.608 USD)
2. Nhật Bản (370.183 USD)
3. Ấn Độ (354.028 USD)
4. Trung Quốc (313.011 USD)
5. Hồng Kông (278.020 USD)

Đồng USD tăng giá mạnh đã đưa Mỹ tăng 7 bậc trong xếp hạng này, vào top 10 toàn cầu. Gói thù lao của lao động ngoại quốc làm việc ở Mỹ trong năm 2022 đạt bình quân 272.770 USD, tăng 6% so với năm 2021.

Ông Quane khuyến nghị doanh nghiệp nên tiếp tục rà soát tăng trợ cấp cho lao động được cử đi làm việc ở nước ngoài vì sinh hoạt phí trên toàn cầu vẫn đang trong xu hướng tăng. “Những công ty có sự rà soát định kỳ sẽ bảo vệ được tốt hơn sức mua của nhân viên và giữ chân được những nhân sự quan trọng”, ông Quane nói.

Nguồn: TBKTVN