Quay lại

Dệt may Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh bằng chiếu sáng xanh

Theo số liệu từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022 và thấp hơn khá nhiều mục tiêu ban đầu ngành đặt ra là đạt 47 - 48 tỷ USD. Ngoài việc đơn hàng sụt giảm, đơn giá sản xuất cũng giảm bình quân 30%, thậm chí có một số chủng loại giảm đến 50%.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, thị trường dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên thời gian tới, ngành này được dự báo vẫn tiếp tục đối diện với không ít khó khăn, thách thức mới từ căng thẳng chính trị, hàng rào kỹ thuật, chi phí đầu vào, rủi ro lãi suất…

CẦN NHANH CHÓNG CHUYỂN ĐỔI XANH

Để vượt qua thách thức, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may đạt 44 tỷ USD trong năm 2024, các doanh nghiệp dệt may đang tìm các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, hướng đến phát triển bền vững được chú trọng để để gia tăng cạnh tranh.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 104 thị trường xuất khẩu, trong đó có các thị trường như châu Phi, Nga, Ấn Độ... vì vậy, việc chuyển đổi xanh trong ngành may mặc là rất cần thiết.

Chẳng hạn như Bangladesh, nhờ xanh hóa chuỗi cung ứng, đã thành công thu hút được lượng đơn hàng lớn trong năm 2023. Quốc gia này có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) và hiện có 500 nhà máy hiện đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.

Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đại diện Vista cho biết: Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe.

"Có đến hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh để đạt các chứng chỉ xanh uy tín như chứng chỉ LEED, LOTUS. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết", đại diện Vista nhấn mạnh.

Cụ thế hơn, Kiến trúc sư Vũ Linh Quang, Giám đốc Điều hành ARDOR Green, Thành viên Ban Giám độc Hội đồng Công Trình Xanh Việt Nam, cho biết một trong những hạng mục đánh giá quan trọng của chứng nhận công trình xanh LEED từ Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ hay chứng nhận tòa nhà xanh LOTUS của Hội Đồng Công Trình Xanh Việt Nam là hạng mục năng lượng, trong đó chiếu sáng đóng một vai trò lớn. Chiếu sáng xanh, chiếu sáng thông minh… là những giải pháp xây dựng công trình xanh nhanh chóng và dễ thực hiện, có thể đo lường và định lượng hóa. 

CHỦ ĐỘNG XANH HÓA HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG

Chuyển đổi sang hệ thống chiếu sáng xanh trong ngành dệt may được xem là bước tiên phong, nền tảng, nhanh chóng, dễ thực hiện, thuận tiện đo lường trên hành trình chuyển đổi xanh với nhiều hạng mục khác nhau. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, chủ động dành nguồn tiền để kiểm toán năng lượng, thay mới thiết bị, cập nhật công nghệ tiết kiệm điện của hệ thống chiếu sáng.

Đó chính là lý do mà Tổng công ty may Nhà Bè đã thay thế đèn TL5 truyền thống tại 2 phân xưởng sản xuất của Tổng công ty thành 3.000 bóng đèn Philips MAS LEDtube 1200mm UO 14.7W 865 T8.

“Việc thay thế này giúp Tổng công ty tiết kiệm được khoảng 22% điện năng tiêu thụ tại 2 phân xưởng sản xuất”, ông Khổng Tiến Thức, Quản lý bộ phận thí nghiệm và đánh giá của May Nhà Bè chia sẻ.

Sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng chip Led cao cấp, đèn tuýp MAS LEDtube giúp dễ dàng thay thế và sử dụng, đồng thời mang lại hiệu quả đột phá về hiệu suất chiếu sáng. Đèn có quang thông 2.500 lm, quang hiệu đạt đến 170 lm/W, đây cũng là dòng sản phẩm được ghi nhận là “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2022” do Bộ Công Thương chủ trì.

Không những thế, đèn Philips MAS LEDtube còn sở hữu tuổi thọ đến 75.000 giờ với chu kỳ bật tắt 200.000 lần, công nghệ LED thân thiện môi trường, không chứa các chất độc hại (thủy ngân, chì, Cadmium) đáp ứng được các mục tiêu phát triển xanh hóa. Ngoài ra, ánh sáng LED chất lượng cao, êm dịu cho mắt còn giúp tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, dễ chịu, tốt cho sức khỏe của người lao động.

Đổi mới công nghệ chiếu sáng trong nhà máy cũng là một trong những giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành Dệt may.

Tương tự, tổng Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) bố trí nhà xưởng, văn phòng làm việc sao cho tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, công ty đã đầu tư thay thế 14.636 bóng đèn huỳnh quang T10 và chấn lưu sắt từ bằng loại đèn T8 và chấn lưu. Hoạt động này không chỉ tiết kiệm trên 4 triệu kWh điện/năm, mà còn giúp công ty giảm phát thải khí CO2 tương đương 4.000 tấn/năm.

Hay như Tổng công ty May 10 (May 10) đầu tư 100% bóng đèn LED cho các dự án mới và thay thế bóng đèn huỳnh quang T8, T10 bằng đèn led và đèn led máng công nghiệp tại các đơn vị thành viên; tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách bố trí những cửa sổ để đón ánh sáng mặt trời cũng giúp tiết kiệm năng lượng một cách đáng kể.

Và nhiều Doanh nghiệp Dệt may khác như Tổng công ty May Việt Tiến, Công ty Cổ phần Dệt May Nha Trang, May Đức Giang, Việt Danh,… cũng đã và đang từng bước chuyển sang hệ thống chiếu sáng LED để tiết kiệm năng lượng, giúp giảm lượng điện tiêu thụ 30 - 35%. 

Không chỉ vậy, một loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng khác mà các doanh nghiệp đã áp dụng như: Cải tạo thông gió phòng máy nén khí, khắc phục rò rỉ khí nén, giảm áp suất cài đặt máy cho nén khí; Cải thiện hiệu suất lò dầu, lắp hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để gia nhiệt cho không khí cấp lò dầu; tối ưu hóa chế độ vận hành các máy móc thiết bị tiêu thụ điện của hệ thống lò hơi /lò dầu; Tăng cường bảo ôn nhiệt bề mặt nóng hệ thống dầu tải nhiệt, hệ thống hơi tải nhiệt; Thay thế máy nhuộm Jet (dung tỷ 1:10; tiêu thụ nước 45 lít/kg vải) bằng máy nhuộm tròn tiết kiệm nước (dung tỷ 1:5; tiêu thụ nước 24 lít/kg vải).

Như vậy, chiếu sáng xanh không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn định hình con đường chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh” cho mỗi doanh nghiệp. Qua đó, sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe về tính thân thiện, bền vững với môi trường. Đây cũng là một trong các bước đi cụ thể của Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng để đạt được cam kết “zero carbon” vào năm 2050.

Nguồn: TBKTVN