Quay lại

“Drama” tại hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp diễn: Cổ phiếu First Republic giảm 90%

Giá cổ phiếu First Republic giảm 28% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (26/4) tại Mỹ, nối dài thêm đà giảm gần 50% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/4). Tính từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu đã giảm hơn 90% và chạm mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch. Cổ phiếu của First Republic đã liên tục giảm chạm các ngướng giới hạn và bị dừng giao dịch nhiều lần.

Đợt giảm đầu tiên của cổ phiếu First Republic diễn ra sau khi nhà băng này công bố báo cáo tài chính ngày đầu tuần (thứ Hai 26/4). Theo đó, khách hàng rút khoảng 40% lượng tiền gửi tại nhà băng này trong quý I/2023. Trong mắt khách hàng và giới đầu tư, First Republic là nhà băng rất rủi ro sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, với các vấn đề về tài chính tương tự nhà băng này.

First Republic cũng công bố thông tin vào ngày 26/4 rằng, Ngân hàng đang xem xét lại các lựa chọn nhằm xây dựng lại bảng cân đối kế toán theo hướng ổn định. Trong quý I, doanh thu của nhà băng này giảm 13% trong khi lợi nhuận giảm 33%.

Đáng chú ý, khách hàng của First Republic không ngừng rút tiền ra ngay cả khi nhóm 11 nhà băng lớn hơn tại Mỹ đã đồng thuận bơm 30 tỷ USD cho ngân hàng này trong nỗ lực củng cố niềm tin của người gửi tiền, đồng thời ngăn chặn tình trạng bank run (khách hàng rút tiền ồ ạt đồng loạt) lan rộng ra hệ thống.

Vấn đề ở đây là sau sự việc của Silicon Valley Bank, các khách hàng và nhà đầu tư nhận thấy, phần lớn tiền gửi của First Republic Bank không được bảo hiểm, tương tự như SVB và Signature Bank. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản tiền gửi tại First Republic Bank đều vượt quá giới hạn 250.000 USD do Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đặt ra. Nếu First Republic Bank “nối bước” SVB và Signature Bank, khách hàng gửi tiền sẽ có nguy cơ không lấy lại được tất cả số tiền đã gửi.

Hiện tại, các cố vấn của First Republic đang cố thuyết phục ít nhất vài ngân hàng nữa đồng ý cung cấp thêm thanh khoản bằng cách mua các tài sản của First Republic ở giá cả cao hơn so với định giá trên thị trường hiện nay, CNBC đưa tin.

Mặc dù các khoản mua tài sản này có thể khiến các ngân hàng khác chịu lỗ, nhưng theo giới chuyên gia, nếu để First Republic sụp đổ, chi phí mà các ngân hàng phải bỏ ra còn lớn hơn, bao gồm việc người gửi tiền rút tiền ồ ạt, hệ thống khủng hoảng, chi phí đáp ứng các quy định nghiêm ngặt hơn từ nhà quản lý. 

CNBC dẫn nguồn tin cho biết, hiện các quan chức chính phủ Mỹ chưa có ý định sẵn sàng can thiệp vào các vấn đề của First Republic.

Nguồn: Baó đầu tư