Quay lại

"Con hổ châu Á mới” đang bị đuối sức

Giữa bối cảnh các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico trỗi dậy, trở thành điểm đến ưa thích mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu thì Thái Lan, nền kinh tế từng được xem là “con hổ mới” của Đông Nam Á, lại không nhận được nhiều sự chú ý như trước.

Cách đây 40 năm, thời điểm mà nền kinh tế Trung Quốc chỉ vừa khởi sắc, Thái Lan đã có sự bùng nổ mạnh mẽ trong khu vực. Những ngành công nghiệp như sản xuất ô tô tại thị trường Thái Lan thu hút nhiều dòng vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đến mức nhiều chuyên gia đã ví von quốc gia này là “Detroit châu Á” (Detroit là thủ phủ sản xuất ô tô tại Mỹ).

Điều gì đã xảy ra?

Thời điểm cách đây 4 thập niên, Thái Lan nổi lên nhờ sự ổn định chính trị trong khi khu vực vẫn đang nỗ lực hồi phục sau sự tàn phá của chiến tranh. Tỉ giá đồng nội tệ ít biến động cùng với chính sách ưu đãi thuế đã giúp quốc gia này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

 

Năm 1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số của Thái Lan khiến giới chuyên gia kinh ngạc. Tờ báo New York Times khi đó đã ưu ái gọi Thái Lan là “Con hổ châu Á mới”. Tuy nhiên, thời hoàng kim của Thái Lan dường như không thể kéo dài. Trong hơn 30 năm, giấc mơ thoát khỏi vị trí là một quốc gia có thu nhập trung bình của Thái Lan trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Từng dẫn trước Trung Quốc về GDP bình quân đầu người, giờ đây Thái Lan bị bỏ lại phía sau. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2022 là 12.720 USD, cao gần gấp đôi so với mức 6.909 USD của Thái Lan. 

Theo giới phân tích, có rất nhiều lý do để lý giải vì sao Thái Lan dần trở nên tụt hậu hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Một trong số đó là vì định hướng phát triển kinh tế không đúng đắn trong thời kỳ thịnh vượng của đất nước.

Trong khi Trung Quốc liên tục chuyển dịch nền kinh tế nhằm tập trung nhiều hơn cho thị trường nội địa, Thái Lan vẫn giữ chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Năm 2017, tổng FDI vào Thái Lan chiếm khoảng 50% GDP cả nước. Điều này đã khiến Thái Lan trở nên thất thế trong chuỗi cung ứng so với đối thủ Trung Quốc.

Cùng xuất phát điểm là chào mời các nhà đầu tư quốc tế, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã khôn ngoan hơn khi vừa khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy tại đất nước nhằm thu lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu vừa ra sức học hỏi kinh nghiệm và đào tạo nhân lực. Và hiện tại, chuỗi cung ứng toàn cầu đã không thể “thiếu bóng” Trung Quốc trong khi Thái Lan vẫn chỉ là mảnh ghép nhỏ suốt 40 năm qua.

 

Sự chậm chạp so với khu vực

Bên cạnh yếu tố kinh tế thì chính trị, chậm chạp ký kết hiệp định thương mại và dân số già cũng là những yếu tố khiến “con hổ” Thái Lan không thể gầm thét như kỳ vọng. Sự ổn định chính trị từng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển đáng kể của Thái Lan từ những thập niên 1990 lại bất ngờ lung lay. Đây chính là lý do khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp ngoại e ngại việc tiếp tục đầu tư vào quốc gia này. 

Ngoài ra, hệ thống pháp luật lỏng lẻo, giới hạn về quyền sở hữu càng khiến dòng vốn nước ngoài đổ vào đất nước thắt chặt lại. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có động thái “quay xe” và chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nền kinh tế ổn định và có tiềm năng tăng trưởng hơn.

 

Thêm vào đó, sự chậm trễ trong đổi mới càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn như thương mại, trong khi phần lớn các quốc gia châu Á khác đã và đang đàm phán ký kết thực hiện các hiệp định thương mại, Thái Lan lại cho thấy sự hụt hơi của mình.

Các cuộc đàm phán hiệp định kinh tế với Liên minh châu Âu (EU) đã bị gián đoạn bởi cuộc đảo chính năm 2014 và chỉ mới được Thái Lan nối lại trong năm nay. Trong khi đó, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thương mại với EU từ 4 năm trước. Tương tự, khi các quốc gia Đông Nam Á khác cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thái Lan vẫn là “kẻ ngoài cuộc”.

Sự chậm chạp của Thái Lan đã nhận cái kết đắng. Theo số liệu thống kê, nguồn vốn FDI vào Thái Lan hiện tại thậm chí còn ít hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Năm 2021 ghi nhận Thái Lan là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á. 

Khó khăn bủa vây

Khó khăn lại chồng thêm khó khăn khi các doanh nghiệp Thái Lan liên tiếp vướng vào các bê bối về quản trị, gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Thất bại trong công cuộc tăng quy mô sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến gần 1/3 lực lượng lao động của Thái Lan hiện nay vẫn phải làm nông, cao hơn so với tỉ lệ 1/4 của Trung Quốc. Ngoài ra, việc quá phụ thuộc vào ngành du lịch cũng gây nhiều khó khăn cho xứ sở chùa Vàng, đặc biệt là vào thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra.

Kinh tế Thái Lan gặp khó khăn khi du lịch bị đóng băng vì dịch COVID-19. Ảnh: Bloomberg.
Kinh tế Thái Lan gặp khó khăn khi du lịch bị đóng băng vì dịch COVID-19. Ảnh: Bloomberg.

Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), nhận định chính những điều trên đã khiến hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước đều bị đóng băng trong thời gian chờ tình hình chuyển biến tích cực hơn. Việc này có tác động xấu đến nền kinh tế đất nước giữa bối cảnh hoạt động xuất khẩu suy yếu.

Ngoài tất thảy những yếu điểm trên, Thái Lan còn phải đối mặt với việc dân số già hóa. Theo thống kê, trong số 67 triệu dân cư thì có đến 12 triệu là người cao tuổi. Với một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất và xuất khẩu, đòi hỏi lực lượng lao động trẻ để thích ứng với nhịp độ xử lý công việc cũng như máy móc công nghệ hiện tại, thì đây là tín hiệu không mấy lạc quan.

Nguồn: Nhipcaudautu