Hội nghị Việt Nam Venture Summit 2019 diễn ra sáng 10/6 thu hút hơn 100 quỹ đầu
tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều quỹ lớn trên thế giới như: Softbank
Vision Fund, CyberAgent Ventures, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam,
DT&I, IDG Ventures Vietnam, VinaCapital Ventures ... tham dự.
Các quỹ đầu
tư trong và ngoài nước đã cam kết sẽ dành 425 triệu USD, tương đương khoảng
10.000 tỷ đồng đầu tư cho các Startup tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
Muốn đầu tư vào Việt Nam vì
nhân lực giỏi
Ông Vinnie Lauria, sáng lập quỹ Golden Gate
Ventures, khẳng định muốn đầu tư vào Việt Nam từ 10 năm trước bởi nhìn thấy ở
Việt Nam có nhiều cơ hội mà các quốc gia khác không có được.
Vinnie
Lauria kể rằng, khi đi qua công viên tại Tp.HCM, ông thấy nhiều người học tiếng
Anh ngay tại công viên và họ sẵn sàng trao đổi với ai đi ngang qua để thực
hành. Điều này chứng tỏ rằng người dân Việt Nam có khát vọng đam mê học tập rất
lớn.
"Startup tốt nhất đều ở quốc gia có
nền giáo dục toán học và khoa học rất tốt. Mà kinh nghiệm trong lĩnh vực dạy
toán và khoa học ở Việt Nam lại rất khác biệt. Có rất nhiều kỹ sư làm việc tại
Mỹ là người Việt Nam", ông Vinnie Lauria nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, chính là sự mạnh mẽ của nội
lực. Nhiều người tốt nghiệp đại học có thể có lộ trình bắt đầu kinh doanh ngay
nhưng giới trẻ Việt Nam có đam mê mạnh mẽ muốn xây dựng tương lai cho
mình.
"Tại sao chúng tôi muốn đầu tư vào
Việt Nam? Vì Việt Nam có tốc độ phát triển GDP 7%, là 1 trong 10 nền kinh tế
tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Dân số trẻ với 40% dân số dưới 25 tuổi nghĩa
là Việt Nam có nguồn lao động tràn đầy năng lượng. Việt Nam là một trong những
quốc gia giỏi về công nghệ trong khu vực không thể bỏ qua. 4 triệu người Việt
Nam ở nước ngoài họ đã và đang vận hành giá trị tài sản cao hơn nhiều các quốc
gia lớn khác. Tôi cho rằng có rất ít quốc gia có nguồn nhân lực cạnh tranh như
ở Việt Nam và chúng tôi muốn đầu tư vào đây", sáng lập quỹ Golden Gate
Ventures nói.
Về kinh nghiệm khởi nghiệp, theo Lauria,
tinh thần như một chiến binh là điểm đầu tiên mà bất cứ startup nào cũng phải
có. Thậm chí, ngay cả ý tưởng sáng tạo phải "khùng" một chút. Cá nhân
ông khi làm việc năm 2000 tại thung lũng Silicon cũng rất khùng. Tuy nhiên,
những người khùng này nhìn nhận thế giới một cách khác biệt với 99% số còn lại.
Họ sẵn sàng nhận thấy cơ hội mà gần như tất cả mọi người không nhận ra, có
người bị cười vào mặt, bị gia đình phản đối, song vẫn kiên trì, quyết tâm làm
ra những điều tuyệt vời.
Mặc dù
thừa nhận có nhiều vấn đề trong nguồn nhân lực Việt Nam, song ông Phạm Minh
Tuấn - CEO Topica Edtech Group nói: "Ta có nhiều nhân tài và các bạn cần
phải đào tạo lại. Ở Silicon Valley khi tuyển người chúng tôi xem họ có cùng đam
mê không, ham học hỏi không, tham vọng không,... sau đó chúng tôi cũng đầu tư
đào tạo lại. So với 4,5 năm về trước giờ chúng tôi khá hài lòng với chất lượng
nguồn nhân lực".
Ở góc độ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực
ra thị trường, ông Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền
thông - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, rằng ngày càng phải làm việc
với rất nhiều các bạn trẻ tài năng. Các bạn có tham vọng thành công và khao
khát chứng tỏ bản thân. Giới trẻ ngày nay thực sự mong muốn đứng lên chứng tỏ
bản thân mình. Ví dụ như CEO Zalo Vương Quang Khải, Nguyễn Hà Đông Flappy Bird
hay anh Nguyễn Tử Quảng Bphone cũng từ trường Bách khoa mà ra.
Tư nhân và Chính phủ cùng nghĩ về tương lai dài hạn
Từ góc nhìn của một quỹ đầu tư được sở hữu
bởi chính phủ, ông Steve Leonard - Nhà sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu tư
SGInnovate cho biết đang cố gắng tư duy và hành động theo cả hai hướng: Tư nhân
và chính phủ.
"Đối với Việt Nam cũng vậy, cần phải
kết hợp cân bằng hai yếu tố. Đôi khi hai bên tư nhân và chính phủ có mục tiêu
mâu thuẫn với nhau, nhưng khi phát triển thì phải nghĩ về tương lai dài
hạn", Steve Leonard nói và cho biết kinh nghiệm của Singapore luôn đề cao
nhân lực giáo dục khoa học công nghệ. Các nhà khoa học cần được đầu tư dài hạn
hơn để tiến hành nghiên cứu. SGInnovate muốn tạo cơ hội đầu tư cho đơn vị
nghiên cứu, các nhà khoa học ở các lĩnh vực mới mà các nhà đầu tư khác chưa dám
đầu tư.
"Các bạn có nhân tài, vấn đề chỉ là
các bạn có tự tin mạnh dạn để theo đuổi cách làm mới hay không. Khi bạn có tầm
nhìn tham vọng, khả năng bạn gặp phải rủi ro thất bại là không tránh khỏi. Nếu
có người bảo hộ cho bạn về cả nguồn vốn và chính sách để bạn tiến về phía trước
thì bạn sẽ tự tin trên con đường mình chọn hơn, đó chính là điều mà chúng tôi
hướng tới", nhà sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu tư SGInnovate khẳng
định.
Ông Steve cũng cho rằng, ông không quan tâm
nhiều vào khái niệm startup kỳ lân, mà quan trọng là khởi nghiệp phải là khả
thi về mặt tài chính cho tất cả mọi người. Còn công ty được định giá bao nhiêu,
CEO này cho rằng điều đó không quan trọng.
"Điều quan trọng hơn cả là như 2 Bộ
trưởng và Phó thủ tướng đã nói và tôi xin nhắc lại: "Tôi tin Việt Nam
nghiêm túc mong muốn xây dựng doanh nghiệp có khả năng cung cấp sản phẩm dịch
vụ tốt cho thế giới. Việt Nam năng lực có, chỉ chờ thời!", vị này khẳng
định.
Nguồn: TBKTVN
|